(HNM) - Ngày 4-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã ký Tờ trình số 71/BC-CP gửi Quốc hội báo cáo giải trình bổ sung Báo cáo đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, về phân kỳ đầu tư, Chính phủ vẫn đưa ra 3 phương án, trong đó kiến nghị chọn phương án 2, nhưng có sự thay đổi trong thời gian phân kỳ đầu tư giai đoạn một. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tùy thuộc vào khả năng huy động vốn, trả nợ quốc gia và các yếu tố khác, Chính phủ xem xét phân kỳ đầu tư một cách linh hoạt và có thể kéo dài giai đoạn đưa đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang vào khai thác vào khoảng năm 2025, hoàn thiện toàn tuyến năm 2035. Như vậy, thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh có thể chậm hơn 5 năm so với đề xuất trước đó. Tuyến đường sắt hiện tại sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu trước mắt; đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, chỉ chuyên chở hành khách với tốc độ khai thác 300 km/h.
Về huy động vốn và cân đối đầu tư, tổng mức đầu tư theo tính toán sơ bộ cho dự án là 55,88 tỷ USD, trong đó đầu tư cho kết cấu hạ tầng: 30,889 tỷ USD, đầu tư cho phương tiện: 9,587 tỷ USD... Chính phủ dự kiến bảo đảm thu xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hợp phần kết cấu hạ tầng (khoảng 31 tỷ USD), còn hợp phần phương tiện vận tải (gần 10 tỷ USD) sẽ huy động đầu tư của các doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khi tiến hành nghiên cứu khả thi, dự kiến hợp phần kết cấu hạ tầng sẽ được xem xét phân chia thành các tiểu dự án: cầu, đường và tín hiệu đường sắt; thông tin đường sắt; nhà ga và phát triển khu đô thị, khu công nghiệp gần nhà ga… từ đó đề xuất cụ thể về nguồn vốn thực hiện. Dự kiến, tiểu dự án "cầu, đường và tín hiệu đường sắt" sẽ được thực hiện bằng vốn vay ODA, các tiểu dự án kết cấu hạ tầng còn lại đều có thể thực hiện không hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Trên cơ sở khả năng huy động và cân đối vốn đầu tư theo phương án kiến nghị được chọn, giai đoạn đầu của dự án (từ năm 2012 đến 2025), trung bình mỗi năm chỉ cần huy động 1,6 tỷ USD, giai đoạn cuối (từ năm 2030 đến 2035), trung bình mỗi năm cần 4,36 tỷ USD.
Theo phân tích của Chính phủ, hiện nay, đầu tư cho giao thông vận tải chỉ đạt 7% tổng mức đầu tư của xã hội. Nếu tính đến dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với phương án huy động vốn kể trên thì đầu tư cho giao thông vận tải ở trong khoảng 10-15% tổng mức đầu tư của xã hội. Như vậy, việc đầu tư vào dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác.
Về nợ quốc gia, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chủ động quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA mặc dù số liệu hiện nay về tổng dư nợ của cả nước (khoảng hơn 42% GDP), trong đó nợ nước ngoài trên 32%, được đánh giá là nằm trong phạm vi bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.