(HNM) - Từ đầu tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019 đến nay, hàng triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng yếu thế trên địa bàn Hà Nội đã đón nhận những suất quà Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ấm áp, nghĩa tình đến từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Nhờ sự quan tâm, chăm lo từ nhiều phía, những ngày này, mọi người, mọi nhà cùng được vui đón Tết.
Ấm áp, sẻ chia
Những ngày này, cháu Bạch Lệ Chi (sinh năm 2010), thôn 9, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cùng ông, bà ngoại phấn khởi chuẩn bị đón Tết. Trong căn nhà nằm giữa vườn chè xanh ngát, Lệ Chi kể cho ông bà nghe về niềm vui những buổi học trước ngày nghỉ Tết, về những món quà Tết, trong đó có phần quà trị giá 800.000 đồng do Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) trao tặng. Niềm hân hoan ấy như làm căn nhà nhỏ ấm áp hơn khi xuân về... Bạch Lệ Chi phải ở với ông, bà ngoại, do có hoàn cảnh khá đặc biệt. Tuy hoàn cảnh khó khăn, song nhờ sự quan tâm, chăm sóc của ông bà và những người xung quanh, Lệ Chi luôn sống vui vẻ, chăm chỉ học tập.
Ngoài trường hợp nêu trên, dịp này, gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thủ đô đều nhận được những suất quà ý nghĩa. Bà Trịnh Thanh Huyền, Giám đốc Làng trẻ em Birla, phố Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), cho biết: “Làng trẻ em Birla tổ chức các hoạt động đón Tết Canh Tý mang đậm giá trị truyền thống như gói bánh chưng, chế biến món ăn đặc trưng ngày Tết, bày mâm ngũ quả…, giúp các em hiểu rõ hơn cách thức đón Tết của người Hà Nội”.
Không riêng trẻ em, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng yếu thế khác cũng nhận được sự quan tâm cả về vật chất, tinh thần. Ông Mai Thế Lý, tổ dân phố 19, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông tin: “Ngoài các chế độ, chính sách dành cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, năm 2019, gia đình tôi còn được các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nhận được những suất quà cùng lời thăm hỏi ân cần, chu đáo”.
Đối với nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội, có lẽ Tết Nguyên đán này là cái Tết đủ đầy nhất từ trước đến nay. Bởi, 2019 là năm đầu tiên người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo là thành viên thuộc hộ gia đình không có người còn khả năng lao động nhận được tiền trợ cấp hằng tháng, bằng mức chuẩn nghèo theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Đáng chú ý, tất cả đối tượng thụ hưởng chính sách này được nhận tiền trợ cấp của tháng 1 và tháng 2-2020 từ trước Tết, tương ứng 2,2 triệu đồng/người ở khu vực nông thôn và 2,8 triệu đồng/người ở khu vực đô thị. Ngoài ra, đến thời điểm này, 100% hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội cũng đã nhận được những suất quà Tết ý nghĩa.
Mọi người, mọi nhà đều có Tết
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, thành phố đã trích ngân sách hơn 378 tỷ đồng để tặng quà cho gần 860.000 đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, việc tặng quà Tết đã hoàn thành, trong đó có hơn 16.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ được tặng quà (1 triệu đồng/suất dành cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, 500.000 đồng/suất dành cho những người bị ảnh hưởng từ bố, mẹ). Thành phố cũng tặng quà trị giá 300.000 đồng cho hơn 8.700 hộ nghèo và một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những ngày nghỉ Tết, các đối tượng đang được chữa trị hoặc nuôi dưỡng tập trung tại các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tại Bệnh viện 09 thuộc Sở Y tế Hà Nội sẽ được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người. Dịp này, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng dành kinh phí thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách. Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, toàn quận đã hoàn thành việc tặng gần 40.000 suất quà Tết của trung ương và thành phố đến các đối tượng chính sách. Để Tết ấm, Xuân vui, quận Hoàn Kiếm còn huy động nguồn lực xã hội hóa, tặng hơn 300 suất quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các phong trào chăm lo Tết cho trẻ em, người nghèo được triển khai sôi nổi, rộng khắp, thu hút nhiều người tham gia. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động. Ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội thông báo, tính đến ngày 16-1, phong trào đã vận động ủng hộ và trao tặng hơn 100.000 suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá hơn 57 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ thành phố còn hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi, tặng bò sinh sản cho hộ nghèo, giúp họ có nguồn sinh kế để vươn lên thoát nghèo trong năm mới.
Tương tự, chương trình “Mùa xuân cho em” năm 2020 do Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội triển khai đã, đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà hảo tâm. Các chương trình khác, như “Tết sum vầy” cho người lao động; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được triển khai từ thành phố đến các đơn vị cấp cơ sở.
Qua những hoạt động nghĩa tình này càng thấy rõ hơn sự quan tâm, chăm lo của chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Sự quan tâm đó góp phần mang không khí Tết ấm áp, vui tươi đến với mọi người, mọi nhà; đồng thời làm lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, nhân lên truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.