Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà mạng vượt khó nhờ số hóa

Việt Nga| 17/12/2020 07:19

(HNM) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế, các doanh nghiệp viễn thông cũng không nằm ngoại lệ. Song, đáng chú ý, các nhà mạng vẫn vượt khó thành công, bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí tăng so với năm 2019, tiếp tục nằm trong nhóm các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước...

Kỹ sư VNPT Hà Nội kiểm tra tốc độ mạng 5G VinaPhone trước khi chính thức thử nghiệm thương mại tới khách hàng.

Thông tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), doanh thu năm 2020 chỉ bằng 95% kế hoạch (ước đạt 162.700 tỷ đồng). Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt doanh thu 93% (doanh thu công ty mẹ ước đạt 30.500 tỷ đồng). Cả hai doanh nghiệp này tuy doanh thu bị ảnh hưởng, song chỉ tiêu lợi nhuận vẫn bảo đảm, thậm chí tăng nhẹ: MobiFone ước đạt lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019; VNPT đạt lợi nhuận trước thuế 7.100 tỷ đồng, tăng 2,2% so với kế hoạch đề ra.

Với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), tổng doanh thu ước đạt 263.400 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 42.200 tỷ đồng, tăng 10,5%. Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp trên đều nộp ngân sách nhà nước tăng so với kế hoạch, trong đó VNPT nộp 5.200 tỷ đồng, tăng 2%; MobiFone nộp 4.460 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; Viettel nộp 37.700 tỷ đồng, tăng 1%.

Lý giải về kết quả tăng trưởng này, đại diện lãnh đạo Viettel cho biết đó là hiệu quả từ việc thực hiện chuyển đổi số. Viettel đã tích cực tham gia chuyển đổi số cho các lĩnh vực trọng điểm của xã hội như y tế, giáo dục, nổi bật là triển khai thành công đề án 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa TeleHealth, giải pháp học tập từ xa... Trước đó, thông tin về tình hình kinh doanh tháng 8-2020, lãnh đạo Viettel lý giải việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận hai con số là nhờ đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách hàng trong xu thế chuyển đổi số, lấy nhu cầu của khách hàng làm trung tâm (các dịch vụ trên nền tảng số tăng trưởng 57%, riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số, tăng trưởng 60%).

Tương tự, theo ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc VNPT, một trong những nguyên nhân khiến VNPT duy trì được lợi nhuận tốt là do tập đoàn tập trung vào phát triển các dịch vụ chiến lược (dịch vụ số cá nhân, số doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin), trên cơ sở duy trì gia tăng các dịch vụ cốt lõi. Trong đó, nhóm dịch vụ số doanh nghiệp tăng trưởng 2 con số, ví dụ dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tăng 32%, hóa đơn điện tử tăng 37%, quản lý nhà thuốc tăng 119%. Ngoài ra, VNPT cũng đẩy mạnh thực hiện số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ khâu bán hàng đến khâu thanh toán và chăm sóc khách hàng.

Về hướng phát triển trong năm 2021, bên cạnh các mục tiêu bảo đảm hạ tầng mạng lưới phục vụ kinh doanh, chú trọng các dịch vụ viễn thông truyền thống, đại diện các doanh nghiệp trên đều cho biết, tiếp tục tập trung vào vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho khối khách hàng là các cơ quan nhà nước và địa phương, doanh nghiệp.

Chia sẻ cụ thể, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, theo xu hướng, dịch vụ viễn thông tiếp tục suy giảm, do vậy nhà mạng phải đẩy mạnh kinh doanh dữ liệu (data) bằng cách triển khai các gói cước có chứa nội dung số. Việc triển khai các gói cước này cũng nhằm giúp tăng chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao. MobiFone phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ 5G theo hướng tăng trải nghiệm và phù hợp với đối tượng khách hàng; đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ: Video 4K, video VOD, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT)...

Tương tự, Viettel đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mới như 5G, Mobile Money, thu phí dịch vụ không dừng. Ngoài ra, Viettel tiếp tục chiến lược chuyển dịch từ doanh nghiệp lấy viễn thông làm chủ đạo thành doanh nghiệp công nghệ. Với VNPT, theo ông Tô Dũng Thái, VNPT tiếp tục phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quản trị doanh nghiệp, nông nghiệp thông minh... "Chúng tôi cũng sẽ tập trung các sản phẩm dịch vụ số trên nền data, phát triển hệ sinh thái digilife trở thành sàn giao dịch số (digital maketplace), bổ sung tiện ích cho hộ gia đình (HomeSmart)...", Phó Tổng Giám đốc VNPT nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng vượt khó nhờ số hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.