Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà mạng tăng cước 3G: Không thể chỉ lợi cho DN

Việt Nga| 25/10/2013 06:17

(HNM) - Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho phép 3 DN cung cấp dịch vụ chiếm thị phần khống chế tăng cước các gói dịch vụ 3G trung bình 20%.

Nhà mạng Vinaphone công bố có 8 gói cước mobile internet, trong đó giữ nguyên các gói cước giá rẻ hiện được nhiều khách hàng sử dụng như gói cước M10, M25 với giá tương ứng là 10.000 đồng (dung lượng 50Mb) và 25.000 đồng/tháng (dung lượng 150Mb); tăng số lượng gói cước không giới hạn (gói MAX) từ 3 gói lên 4 gói lần lượt ở các mức giá 50.000 - 70.000 đồng/ tháng (dung lượng 600Mb); 100.000 (1,2Gb) - 200.000 (3Gb) đồng/tháng. MobiFone cũng có các gói cước tương tự như Vinaphone. Viettel cũng đưa ra bảng giá dịch vụ internet 3G mới với 6 gói cước, trong đó nhìn chung các gói cước cũng có giá thành và tốc độ như của hai nhà mạng VNPT, trừ hai trường hợp có giá thành chênh lệch so với VNPT là 1 gói có giá thành cao hơn (5.000 đồng) song dung lượng miễn phí lại lớn hơn và trường hợp gói MI50 giá 50.000 đồng, dung lượng 450Mb (gói cước của VNPT là 50.000 đồng/tháng, dung lượng là 500Mb)… Như vậy, có thể thấy cả 3 nhà mạng đều tăng giá gói cước không giới hạn "phổ thông" được nhiều người dùng di động đang dùng, tăng từ 20.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng so với trước (tăng tới 40% so với trước).

Ảnh minh họa.


Sau khi các nhà mạng công bố các gói cước mới, dư luận bày tỏ lo ngại, liệu chất lượng có bảo đảm cùng với tăng giá, vì thực tế, nhiều thời điểm, vị trí, mạng 3G không có sóng. Nhiều khách hàng cho biết họ sẽ quay về dùng wifi để giảm chi phí… Về vấn đề này, trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thời điểm khi cả ba nhà mạng đã trình phương án tăng cước dịch vụ 3G, lãnh đạo Cục Viễn thông, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã ủng hộ đề xuất phải tăng cuớc vì các DN đang bán dưới giá thành 35%-68%. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ bảo đảm không để tăng giá đột biến và phải có lộ trình.

Trở lại với giá thành dịch vụ 3G, sau khi triển khai dịch vụ, cả Vinaphone, MobiFone, Viettel đồng loạt đưa ra mức cước "bình dân" (50.000 đồng/thuê bao/tháng, với sinh viên khoảng 35.000 đồng/thuê bao/tháng) thu hút người sử dụng và chính điều này đã làm nên cuộc "cách mạng" để nhiều người sử dụng 3G. Kết quả như đã thấy, cả nước hiện có khoảng 20 triệu thuê bao 3G (theo số liệu của Bộ TT-TT). Trong khi DN đầu tư lớn cho mạng lưới (28.000 tỷ đồng), song do bán dưới giá thành nên doanh thu từ 3G chỉ chiếm 10%, khiến nhà mạng bị lỗ và phải lấy doanh thu từ mạng 2G để "nuôi" 3G. Nhưng, vấn đề không chỉ dừng lại như vậy. Trên nền 3G có rất nhiều tiện ích, chẳng hạn người dùng có thể xem phim, trao đổi, nhắn tin thông qua mạng xã hội… và không thể không kể đến đó là sự phát triển của các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí (gọi tắt là OTT). Các dịch vụ này đều "ngốn" băng thông lớn và để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhà mạng buộc phải liên tiếp tăng thêm băng thông, mở rộng dung lượng trong khi hầu như không thu thêm được cước 3G vì phần nhiều khách hàng đã dùng trọn gói theo tháng. Riêng với OTT - dịch vụ này không những chiếm băng thông lớn lại còn "cướp" mất doanh thu từ thoại và tin nhắn do người dùng gọi qua các phần mềm OTT miễn phí. Ước tính trong 6 tháng 2013 cả ba nhà mạng lớn bị mất khoảng 2.000 tỷ đồng vì OTT. Thêm nữa, càng nhiều thuê bao 3G hoạt động thì công suất tiêu thụ điện của các trạm thu phát sóng (BTS) càng lớn, ví dụ nếu như trạm BTS 2G chỉ "tiêu" hết 1 triệu đồng tiền điện/tháng, thì với trạm 3G, số tiền này lên tới 1,5 hoặc 1,7 triệu đồng/tháng, thậm chí còn cao hơn. Thực tế, trong vài năm gần đây, điện liên tục tăng giá và như vậy, nhà mạng càng phải chịu tăng chi phí cho mạng lưới. DN nào có quy mô mạng 3G lớn, có nhiều thuê bao 3G hoạt động càng lỗ nặng từ 3G.

Do vậy, việc tăng giá cước 3G là nhằm bảo đảm để DN tái đầu tư cho mạng lưới, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng mong muốn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ có những quy định ràng buộc để DN phải bảo đảm chất lượng dịch vụ, tính toán đến lợi ích của người dân nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng tăng cước 3G: Không thể chỉ lợi cho DN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.