(HNM) - Cuối tháng 8-2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Công TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV)… gửi kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề nghị cơ quan quản lý không cấp phép cho các DN, gồm VNPT, Viettel, FPT đầu tư vào thị trường truyền hình cáp.
Vì sao các đơn vị kể trên lại gửi đơn kiến nghị như đã nêu không khó lý giải và trong bài viết cũng không bàn về vấn đề này. Vậy, tại sao lại có chuyện các DN viễn thông, công nghệ thông tin chuyển hướng sang lĩnh vực truyền hình trả tiền?
Tổng đài chăm sóc khách hàng của Truyền hình cáp Kỹ thuật số VTC. |
Trước hết, có thể thấy dễ dàng, "miếng bánh" từ thị trường viễn thông đã hết, thị trường đã bão hòa và như vậy việc các DN viễn thông tìm kiếm cơ hội đầu tư ở lĩnh vực khác không phải chuyện khó hiểu. Vậy, đầu tư sang truyền hình cáp có phải là ngoài ngành? Câu trả lời là không, vì cả dịch vụ viễn thông và truyền hình cáp đều cung cấp trên hạ tầng kỹ thuật mà có thể nói rằng hạ tầng truyền hình là của viễn thông (tất nhiên băng thông dành cho truyền hình cần lớn hơn viễn thông), thực tế theo các quy định của nhà nước, phần hạ tầng cho truyền hình thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và phần sản xuất nội dung (chương trình) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí. Mặt khác, với lợi thế sẵn có từ hạ tầng viễn thông, nếu kinh doanh truyền hình cáp thì cả VNPT và Viettel có lợi thế lớn vì có đường truyền dẫn về đến các xã trên toàn quốc. Hiện, FPT đã hợp tác với AVG đầu tư mạng cáp đồng trục để kéo đến từng xã. Bên cạnh đó, các DN này (VNPT, Viettel) cũng là những đơn vị có doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hằng năm đạt trên dưới chục nghìn tỷ đồng và với thế mạnh về tiềm lực tài chính, họ sẵn sàng đầu tư mạnh cho mảng dịch vụ này nếu được cấp phép. Thêm nữa, với kinh nghiệm từ việc quản lý, vận hành và khai thác mạng viễn thông, đội ngũ kỹ thuật từ các nhà mạng này có thể tối ưu hóa khâu bảo dưỡng mạng lưới để nâng cao chất lượng dịch vụ...
Một vấn đề quan trọng khác, theo các nghiên cứu đã công bố của cả Bộ TT-TT (trong tổng điều tra toàn quốc công bố năm 2011) và các nghiên cứu độc lập, Việt Nam có hơn 20 triệu hộ gia đình, nhưng lượng thuê bao truyền hình trả tiền lại chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao. Con số 4,5 triệu thuê bao này nếu tương ứng với 4,5 triệu hộ gia đình thì mật độ thuê bao như vậy là chưa cao, do đó vẫn còn cơ hội cho các nhà cung cấp khác. Đó cũng là lý do mà các DN viễn thông "nhảy" vào sân chơi này. Hơn nữa, theo dự thảo quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020 mà Viện Chiến lược Bộ TT-TT đang xây dựng thì định hướng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền (ở 5 loại dịch vụ: cáp số, mặt đất kỹ thuật số, vệ tinh, truyền hình di động, IPTV) sẽ có từ 3 đến 5 DN cung cấp ở quy mô toàn quốc và khu vực. Trong thực tế, hiện nay có tới 40 DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng ngoài một số đơn vị lớn, như VCTV, SCTV, HTVC, HTV đầu tư và cạnh tranh chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số còn lại chủ yếu kinh doanh manh mún hoặc chỉ ở một địa bàn nhỏ là khu vực đô thị với vài nghìn thuê bao (số liệu của Bộ TT-TT). Khu vực nông thôn dường như bỏ trống. Điều đó cho thấy, mảnh đất của thị trường truyền hình cáp nói riêng, truyền hình trả tiền nói chung vẫn rất lớn cho những DN muốn đầu tư thực sự.
Với khách hàng, có lẽ mong muốn của mọi người là thị trường truyền hình sẽ có cuộc cạnh tranh như thị trường di động, để người dân được xem ti vi với nhiều chương trình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, hình ảnh rõ nét...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.