(HNM) - Hai trong số ba nhà mạng chiếm thị phần khống chế là Vinaphone và MobiFone đã ngừng áp dụng chính sách giảm cước cho khách hàng liên lạc giờ thấp điểm từ ngày 10-9.
Cụ thể, theo thông báo của hai nhà mạng trên, từ 0h ngày 10-9-2013, cả Vinaphone và MobiFone ngừng áp dụng chính sách giảm cước thoại, tin nhắn nội mạng, liên mạng giờ thấp điểm (từ 23h đến 6h hằng ngày). Theo đó, cước thoại, cước tin nhắn nội mạng, liên mạng sẽ áp dụng thống nhất theo mức cước cơ bản của gói cước cho tất cả các giờ trong ngày, các ngày trong năm.
Ảnh minh họa. |
Từ năm 2008, để khuyến khích người sử dụng dịch vụ di động liên lạc nhiều hơn và cũng để tránh nghẽn mạng vào các giờ cao điểm, các nhà mạng đã cùng nhau đưa ra các chính sách ưu đãi cho khách hàng, đặc biệt vào các giờ thấp điểm. Khi đó, VNPT áp dụng giảm cước cho thuê bao gọi vào các giờ từ 23h đến 6h, Viettel giảm cước cho thuê bao từ 23h đến 7h. Trong đó, có những gói cước được các nhà mạng giảm tới 50% khi gọi nội mạng giờ thấp điểm… Ở thời điểm đó, để giành thị phần, các nhà mạng còn chạy đua khuyến khích thuê bao gọi nội mạng 10 phút - tính tiền 3 phút (với tên gọi miễn phí sau 3 phút gọi…). Về bản chất, những ưu đãi này là giảm cước cho khách hàng.
Trở lại với việc hai nhà mạng lớn ngừng áp dụng giảm cước giờ thấp điểm. Ở thời điểm giai đoạn 2008-2009, khi các nhà mạng lớn đưa ra các chương trình ưu đãi, trong đó có giảm cước cho khách hàng giờ thấp điểm, dư luận đã nhiều lần lên tiếng đại loại là chương trình này thực ra có cũng như không. Sở dĩ nói như vậy là vì vào những giờ khuya như trên mọi người đã đi ngủ, nên có lẽ những cuộc liên lạc ưu đãi đó chỉ dành cho những cặp tình nhân, hay để gọi thông báo, trao đổi những việc rất đặc biệt. Tuy nhiên, có vẫn hơn không, vì như thế khách hàng còn được giảm cước, còn nay khi các nhà mạng thông báo ngừng cách tính cước giờ thấp điểm, thực ra đó cũng là cách tăng giá, sau nhiều năm viễn thông di động chỉ giảm giá. Vì sao các nhà mạng phải ngừng chương trình này? Trả lời cho câu hỏi này không khó. Đầu tiên phải kể đến là tình hình kinh tế nói chung khó khăn, người dân phải giảm các chi tiêu… trong khi cho dù các DN cung cấp dịch vụ di động thuộc nhóm DN luôn lãi hàng nghìn tỷ đồng/năm cũng vẫn phải áp dụng chính sách tối ưu hóa lợi nhuận, nên việc rút dần các ưu đãi cho khách hàng để giảm chi phí cũng là điều dễ hiểu. Song, có lẽ không thể không kể đến một nguyên nhân quan trọng đó là sự phát triển của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT) qua mạng di động, như Viber, Zalo, Kakao Talk… cùng với sự phát triển của các mạng xã hội đã và đang gây thất thu cho các nhà mạng hiện nay. Ước tính, các dịch vụ OTT "cướp" 9-10% doanh thu/năm, tương đương với con số thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng/năm vì người dùng sẽ không gọi điện, nhắn tin như thông thường mà dùng miễn phí qua các phần mềm OTT này. Quan trọng hơn, các phần mềm OTT là một xu hướng công nghệ mới nên không thể ngăn chặn cũng như chối bỏ mà nó buộc các bên phải chấp nhận, chung sống, phải chia sẻ doanh thu vì sự xuất hiện OTT. Và vì vậy nên việc ngừng ưu đãi giờ thấp điểm (cho dù không có nhiều người sử dụng) để bù đắp thiệt hại cũng là dễ hiểu. Bên cạnh đó, thị trường viễn thông Việt Nam tuy được đánh giá là phát triển mạnh, nhưng chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao/tháng (APRU) ngày càng giảm, thuộc hàng thấp so với khu vực, ước tính chưa đến 4 USD/thuê bao/tháng và dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới. Nếu như chỉ số này ngày càng giảm cũng không phải là tin tốt lành cho sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông, vì khi đó nhà mạng sẽ không đủ kinh phí để đầu tư triển khai công nghệ mới, như mạng 4G chẳng hạn.
Với khách hàng, năm 2013 có lẽ không phải là năm tốt lành khi mà từ tháng 4 thuê bao của Vinaphone và MobiFone đã phải chịu sự tăng giá gói cước 3G thêm 10.000 đồng/tháng (bằng với thuê bao của Viettel); rồi tiếp đó lại không được ưu đãi nếu gọi giờ thấp điểm. Nhiều khả năng sắp tới cả 3 nhà mạng lớn sẽ lại tăng giá cước 3G… Có lẽ đó cũng là "cái giá" phải trả cho việc "xài" miễn phí các dịch vụ OTT, cho dù ai cũng biết không phải lúc nào cũng dùng được OTT, vì còn phải phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ 3G ở từng thời điểm và vị trí khác nhau…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.