(HNMO) - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa quyết định tổ chức tour lưu diễn xuyên Việt bắt đầu từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12/2014.
Vở kịch “Bệnh sĩ” là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ; là một vở hài kịch mang tính xã hội sâu sắc, phê phán tính “sĩ” trong suốt thời kỳ bao cấp và ý nghĩa đến tận bây giờ.
Năm 1988, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng thành công vở diễn "Bệnh sĩ" do NSND Đình Quang làm đạo diễn, được khán giả nhiệt liệt đón nhận. Vở kịch đã góp phần khẳng định thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như tên tuổi, tài năng của tác giả Lưu Quang Vũ.
Phiên bản vở "Bệnh sĩ" lần này do NSƯT Tuấn Hải làm đạo diễn và NSND Đình Quang làm cố vấn nghệ thuật. NS Xuân Bắc, NS Phú Đôn… và tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia vở diễn.
Vở kịch lấy bối cảnh ở một vùng làng quê nông thôn, kể về ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, thật thà… nhưng vì tính háo danh, tính “sĩ” mà ai cũng cố gắng phấn đấu cho mình có một cái mác thật sang trọng và hiện đại. Để rồi khi bản chất và hiện thực không thống nhất, đã sinh ra những chuyện dở khóc dở cười và rồi chính họ lại phải tự nhận ra đúng “căn bệnh chung” của mình…
Cùng với “Bệnh sĩ” vở diễn “Lâu đài cát” lại là 1 góc khuất khác của con người trong gia đình hiện đại.
Gia đình ông Quân – bà An được biết đến là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý với những người con làm chức vụ cao. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài được che đậy bởi những mặt nạ của các thành viên trong gia đình. Họ là những người rất đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình… nhưng đằng sau đó, họ sống giả dối, buông thả. Sự thật chỉ được lộ ra khi Thiên – người cháu đích tôn của gia đình đưa người yêu về ra mắt và gia đình ông Quân phải đối diện với sự thật…
“Lâu đài cát” chính là sự hiện thân của sự thật đen tối của các thành viên trong nhiều gia đình ngày nay. Sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự tác động của những thói hư tật xấu đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân mình. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý… và cái mặt nạ ấy ngày càng dầy lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm sân khấu về đề tài đạo đức gia đình, đầu năm 2014 Nhà hát Kịch đã dàn dựng và biểu diễn thành công vở kịch “Lâu đài cát” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Anh Tú. Với thông điệp “Gia đình là tế bào của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải lành mạnh”, vở kịch “Lâu đài cát” đã phản ánh và cảnh báo về lối sống, đạo đức tha hóa mang vỏ bọc truyền thống đạo đức của một số gia đìnhViệt Nam hiện nay.
Nhà phê bình sân khấu – PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “ Đây là vở kịch rất tốt về mặt tư tưởng và rất mặn về mặt biểu diễn. Có lẽ đây là kịch bản hay nhất từ trước đến nay của tác giả Đăng Chương….. Rất có thể vở kịch sẽ gây sốt cho công chúng trong thời gian tới. Vở kịch đã chạm tới trái tim tôi.”.
Vở kịch “Lâu đài cát” đã được biểu diễn rộng rãi tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, được công chúng khán giả đánh giá cao.
Trong kế hoạch biểu diễn tháng 11,12/2014, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ đưa vở kịch “Lâu đài cát” và "Bệnh sĩ" đi lưu diễn phục vụ khán giả bắt đầu từ Nghệ An trở vào. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tổ chức họp báo và chính thức công diễn vở kịch “Lâu đài cát” vào hồi: 20 giờ ngày 17 tháng 12 năm 2014 tại Sân khấu Nhà hát lớnThành phố Hồ Chí Minh.
Đã từ rất lâu rồi Nhà hát Kịch Việt Nam chưa có dịp quay lại với khán giả phía Nam. Đây là cơ hội tốt để Nhà hát Kịch đưa các tác phẩm sân khấu mới, có nội dung tư tưởng tốt đến được với công chúng yêu nghệ thuật ở miền Trung và miền Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.