(HNM) - Hôm nay (14-10), đội tuyển bóng đá nữ quốc gia sẽ lên đường dự Giải vô địch Đông Nam Á tại Lào, nhưng vẫn chưa có bất cứ lời hứa treo thưởng nào từ các doanh nghiệp.
Đội bóng đá nữ lặng lẽ bao nhiêu thì đội bóng đá nam lại rình rang bấy nhiêu. SEA Games vẫn còn 3 tuần nữa mới diễn ra, nhưng thầy trò Falko Goetz đã được treo thưởng 1 triệu USD. Nhìn cảnh đội bóng đá nữ sao mà giống phận con nhà nghèo học giỏi, còn đội bóng đá nam chẳng khác những chàng công tử con nhà giàu, luôn được mẹ cha cưng chiều mà học mãi chưa giỏi.
Các cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam luôn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Ảnh: Ngọc Quân |
Nói chuyện con nhà nghèo học giỏi, từng có nhiều diễn đàn được tổ chức để lý giải vì sao thủ khoa các trường đại học thường là con nhà nghèo. Có người cho rằng, con nhà nghèo chịu nhiều thiệt thòi thường có ý chí phấn đấu cao hơn, đó là nguyên tắc bù trừ của cuộc sống. Lại có người cho rằng, con nhà giàu thường được chăm lo đầy đủ, được thỏa mãn mọi ham muốn từ khi còn bé nên thường thiếu kiên trì, thiếu ước mơ và nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực. Bởi lẽ, như người ta đã lý giải, cốt lõi của thành công là sự thử thách của số phận và đương nhiên con nhà nghèo sẽ có nhiều cơ hội được rèn luyện, thử thách hơn. Dường như ông trời không cho ai tất cả bao giờ.
Trở lại chuyện bóng đá, tuần vừa rồi ở sân Pleiku (Gia Lai), đã có không ít người xúc động khi chứng kiến hình ảnh các cầu thủ U.21 Việt Nam hát Quốc ca rất hào hùng trong trận chung kết Giải Bóng đá U.21 quốc tế với đối thủ Iran. Đội U.21 Việt Nam gồm hầu hết là những cầu thủ trẻ và cũng không được ai treo thưởng tiền tỷ, nhưng khi ra sân là đá với tinh thần của người lính ra trận. Bất chấp trời mưa to, mặt sân lầy lội, những chàng trai trẻ đó vẫn mắm môi, mắm lợi thi đấu như thể đó là trận đấu cuộc đời. Cũng như các "cô gái vàng" của bóng đá nữ Việt Nam từng giành 4 ngôi vô địch SEA Games, các cầu thủ U.21 đều còn nghèo, chưa được làm quen với những khoản lót tay tiền tỷ của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng tinh thần thi đấu của họ thì đến ĐTQG cũng phải học hỏi.
Thế nên, khi nghe chuyện các cầu thủ U.23 Việt Nam được treo thưởng 1 triệu USD, nhiều người không khỏi xót xa khi đồng tiền chưa được dùng thật đúng chỗ. Điều mà người ta cần làm nhất chính là lý giải cho các cầu thủ rằng họ phải chiến thắng vì lá cờ đỏ, sao vàng trên ngực trái chiếc áo của họ chứ không phải vì số "tiền mồi nhử" kia. Giờ đây, đội U.23 Việt Nam cũng chẳng khác những chàng công tử con nhà giàu, được cha mẹ treo thưởng nào là chiếc PS, SH… thậm chí là xế hộp nếu đứng thủ khoa, nhưng có mấy khi ngôi thủ khoa đến với những cậu học trò học chỉ vì những phần thưởng như trên. Thế nên, người ta có quyền nghi ngờ tác dụng của khoản treo thưởng trên. Thậm chí, không chừng chính sức ép từ khoản tiền 1 triệu USD đó có thể làm các cầu thủ U.23 Việt Nam ngã trước vạch đích. Và trong tương lai, nếu không được treo thưởng lớn thì liệu rằng những cầu thủ đã quen với những khoản "tiền nhử" mới chịu đá đó có chịu đá hết mình vì màu cờ sắc áo Tổ quốc?
Số tiền thưởng cho U.23 Việt Nam sẽ lớn hơn 1 triệu USD Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, VFF chưa công bố mức treo thưởng cho đội U.23 Việt Nam, bởi còn cân nhắc thời điểm thích hợp. Ông Hỷ tiết lộ số tiền này có thể không nhiều bằng con số nửa triệu USD của các ông bầu, nhưng sẽ ở mức xứng đáng với thành tích mà U.23 Việt Nam đạt được. Ngoài ra, ông Hỷ cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với VFF để thưởng cho U.23 Việt Nam, nhưng chưa tiện công bố. Theo ông Hỷ, nếu giành HCV thì số tiền thưởng cho U.23 Việt Nam sẽ cao hơn nhiều con số 1 triệu USD. Vinh Phương |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.