(HNM) - Thị trường bất động sản (BĐS) sẽ hướng tới phân khúc nhà
Nhu cầu nhà ở, căn hộ bình dân vẫn cao trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng. Ảnh: Tuấn Anh |
Đầu năm 2013, Tổng Công ty Viglacera mở bán dự án nhà ở cao tầng OCT 2, Khu chức năng đô thị Xuân Phương (Từ Liêm). Trong cơ cấu sản phẩm có các căn hộ diện tích nhỏ 57m2. Đặc biệt, giá bán được chủ đầu tư đưa ra theo hai phương thức khá hấp dẫn: Khách hàng tự hoàn thiện, giá 12,9 triệu đồng/m2 và chủ đầu tư hoàn thiện, giá 14,9 triệu đồng/m2. Trước đó, Viglacera mở bán dự án căn hộ chung cư Khu đô thị (KĐT) mới Đặng Xá (Gia Lâm) với mức giá khoảng 13 triệu đồng/m2.
Trước khi các chính sách "giải cứu" thị trường BĐS được triển khai, các doanh nghiệp (DN) BĐS đã tự tìm cách cứu mình bằng việc giảm giá, tặng quà khuyến mãi hấp dẫn. Dự án Phúc Thịnh Tower chào bán giá 13,2 triệu đồng/m2, với căn hộ diện tích nhỏ hợp lý, đồng thời còn mở đợt khuyến mãi tặng khách hàng 2% giá trị. Golden Land cũng tặng quà trị giá lên tới 200 triệu đồng/căn hộ. Hầu hết dự án mở bán trong giai đoạn này đều hợp tác với ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn mua nhà với khoản tín dụng lên tới 70%-80% giá trị căn hộ.
Không chỉ DN nhỏ mà nhiều chủ đầu tư lớn cũng hướng tới phân khúc thị trường nhà "bình dân", giá rẻ. Tổng Công ty HUD, bên cạnh việc đầu tư, hoàn thành nhiều dự án nhà thu nhập thấp, đã đăng ký chuyển đổi các dự án nhà thương mại Nam An Khánh, Tây nam Linh Đàm (Hà Nội), Đông Tăng Long (TP Hồ Chí Minh) sang nhà ở xã hội. Năm nay, HUD xác định tập trung nguồn lực cho dự án Tây nam Linh Đàm, Đông Tăng Long; khởi công xây dựng 1.000 căn hộ tại Tây nam Linh Đàm và KĐT Thanh Lâm-Đại Thịnh 2, trong chương trình khởi công xây dựng 10.000 căn hộ nhà xã hội giai đoạn 2013-2015. Để cụ thể hóa chương trình này, HUD và Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết thỏa thuận hợp tác tín dụng. Theo đó BIDV thu xếp khoản tín dụng 10.200 tỷ đồng cho HUD, trong đó 3.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội. Tổng Công ty Vinaconex và Tổng Công ty Handico cho biết, hai đơn vị đã hợp tác, chuẩn bị khởi công dự án xây dựng khoảng 15.000 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án KĐT Bắc An Khánh. Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiếp nhận, xem xét kiến nghị của một số chủ đầu tư cho phép chuyển dự án KĐT, nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, từng địa bàn, tập trung phát triển nhà ở giá rẻ là một trong những giải pháp nhằm cứu thị trường BĐS khỏi tình trạng "đóng băng" kéo dài gần hai năm qua. Việc gắn tháo gỡ khó khăn của thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở, đặc biệt là chuyển hướng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, vừa giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu nhà ở của đa số người dân có thu nhập thấp, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bộ Xây dựng đã làm việc với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời làm việc với các DN, xác định danh mục dự án nhà ở xã hội cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai. Bộ Xây dựng và Ngân hàng BIDV đã ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình nhà ở xã hội giai đoạn năm 2013-2015. Theo đó, BIDV cam kết dành gói tín dụng trung, dài hạn quy mô 30.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, chủ đầu tư được dành 10.500 tỷ đồng, bằng 35% gói tín dụng, để phát triển dự án; người mua nhà được dành 19.500 tỷ đồng, bằng 65% gói tín dụng, để mua nhà (mức vay tối đa lên tới 85% giá trị căn hộ trong thời hạn 15 năm).
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 62 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, quy mô xây dựng 612.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho 67.600 công nhân. Trong khi đó, các địa phương đã khởi công xây dựng 54 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị (đã có 23 dự án hoàn thành), với tổng mức đầu tư 2.640 tỷ đồng, quy mô 533.000m2 sàn, tương đương 11.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 44.000 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.