Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo và trách nhiệm xã hội

Thi Thi| 29/04/2012 07:25

(HNM) - Báo chí luôn hướng tới đích thông tin trung thực, chính xác, nhanh nhạy, thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Điều này không mới, nhưng cần tiếp tục đặt ra trong bối cảnh nhiều nơi (cả báo in và điện tử) coi thông tin báo chí là một cuộc chạy đua thu hút người đọc đơn thuần.


Hànộimới có cuộc trao đổi bàn tròn thẳng thắn, ghi nhận những chia sẻ của đại diện lãnh đạo Báo Nông thôn ngày nay, Báo Thể thao & Văn hóa và Báo điện tử Vietnamnet quanh chủ đề này.


Các phóng viên cần đưa những thông tin nhanh, trung thực và chính xác nhất tới độc giả.Ảnh: Nhật Nam

Không cần giật gân, câu khách vẫn thu hút được bạn đọc

- Thu hút bạn đọc mà vẫn giữ vững tính định hướng là thách thức thường trực đặt ra với lãnh đạo mỗi cơ quan truyền thông. Từ thực tế của chính đơn vị mình, ở cương vị người làm công tác quản lý báo chí, nhà báo Trương Lê Kim Hoa có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao thu hút bạn đọc mà không sa vào thông tin giật gân, dễ gây ảnh hưởng không tốt tới xã hội?


- Nhà báo Trương Lê Kim Hoa (Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa): Sau khi nghiên cứu thị trường báo chí một cách nghiêm túc, chúng tôi nhận thấy rằng, không phải cứ “sốc, sex” giải trí mới bán được báo. Chủ động từ chối xu hướng “lá cải hóa”, kiên định con đường làm báo nghiêm túc, chúng tôi vẫn luôn có những độc giả trung thành của mình. Xu hướng “sốc, sex” đã và đang nhàm chán, bị nhiều độc giả tẩy chay.

- Thưa chị, liệu có thể kiên định mãi như vậy khi ở chỗ này, chỗ kia vẫn có báo đưa tin giật gân để tăng lượng phát hành?

- Nói thật cũng có đôi khi, có phần do quá sốt ruột, quá nôn nóng, thấy thiên hạ ồn ào chạy theo các xu hướng giải trí để tăng view hay tăng tia-ra, ban biên tập chúng tôi ít nhiều cũng cảm thấy áp lực, dường như phải bớt hàn lâm đi thì mới bán được báo? Tuy nhiên, chúng tôi phải cảm ơn những độc giả trung thành, bởi bất cứ khi nào có một bài báo có biểu hiện “lệch chuẩn” là lập tức bị phản ứng, phê bình ngay.

- Thưa nhà báo Phan Huy Hà (Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay) và nhà báo Bùi Sỹ Hoa (Tổng Biên tập Báo Vietnamnet), các anh nghĩ sao về vấn đề này?


- Nhà báo Phan Huy Hà: Bản thân nghĩa Tin tức (new) đã bao hàm cái mới, trong cái mới đã có cái lạ, cái hấp dẫn. Nếu trong tin chứa một hàm lượng thông tin cao, được nhiều người quan tâm thì chắc chắn nó sẽ giữ được bạn đọc mà không cần phải đưa tin giật gân câu khách. Chỉ những phóng viên, biên tập viên lười, thiếu trách nhiệm mới thích dùng những tin thiếu kiểm chứng (vì không phải đi tác nghiệp), mới dùng những thủ thuật giật gân để câu khách.

Theo tôi, với tiêu chí phục vụ số đông độc giả, vì lợi ích của công chúng, thông tin phải chính xác, trung thực, khách quan, không thiên vị và không bị ảnh hưởng bởi các lợi ích bên ngoài. Thông tin càng nhạy cảm càng phải bảo đảm các tiêu chí trên vì nó có tác động mạnh tới xã hội.

Tôi xin ví dụ, nếu ta đưa tin giá gạo đang giảm mạnh, xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn… mà không kiểm chứng, hoặc vì lợi ích cá nhân, thiên vị một công ty lương thực hay một đơn vị xuất khẩu gạo nào đó (có thể là để họ dễ dàng mua lúa của nông dân với giá rẻ) thì hàng triệu nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hoặc có những loại tin về xu hướng tăng giá của mặt hàng này, sản phẩm kia mà không xác minh thì cũng gây nguy hiểm không kém. Chúng tôi thường gọi đây là dạng tin kích động thị trường. Nếu báo chí cứ đưa tin kiểu này thì sẽ không có một thị trường minh bạch, giá cả các mặt hàng sẽ bị đẩy lên cao theo tin đồn, tin thiếu kiểm chứng, không đúng với giá trị thật. Thiệt hại luôn ở phía những người dân.

- Nhà báo Bùi Sỹ Hoa: Thách thức lớn nhất của lãnh đạo báo điện tử hiện nay là làm sao để nuôi tờ báo sống được và phát triển. Thói quen đọc báo điện tử của độc giả là đọc miễn phí, cho nên không thu lại được tiền bán báo như báo giấy. Các nguồn thu khác cũng không đáng kể, do phương thức thanh toán online ở Việt Nam chưa phát triển. Do vậy, nguồn thu chủ yếu của báo điện tử là quảng cáo. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm quảng cáo, thì nguồn thu từ quảng cáo ngày càng eo hẹp. Là một tờ báo điện tử, chúng tôi phải thu hút độc giả bằng cách tuân thủ những đặc điểm của loại hình báo chí này, như thông tin nhanh, đa phương tiện, có tính tương tác cao với độc giả. Phản hồi của độc giả lớn thì tờ báo của mình sẽ trở thành tờ báo của độc giả và trở thành cầu nối giữa độc giả với nhau và độc giả với các cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên, phải cân bằng giữa nhu cầu độc giả với trách nhiệm công dân của nhà báo. Trước khi anh là nhà báo thì anh phải là công dân với đầy đủ ý nghĩa của nó. Những gì anh thể hiện trên mặt báo trước hết phải xuất phát từ ý thức của một công dân chân chính.

- Văn hóa là một mảng đề tài lớn, cũng không thiếu vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, với nhiều tờ báo, dường như nó đang bị khai thác thiên về phản ánh đời tư, chuyện bên lề, thậm chí đưa quá nhiều về mặt trái? Các anh chị xử lý mảng đề tài này trên báo của mình thế nào?


- Nhà báo Phan Huy Hà: Vấn đề văn hóa truyền thống bị mai một bởi yếu tố du nhập, lai căng, từ đó dẫn đến tệ nạn xã hội, tiêu cực… là điều ai cũng biết. Khi triển khai, chúng tôi luôn cố gắng cân bằng các mảng đề tài về mặt liều lượng. Không thiên về phản ánh tệ nạn xã hội mà xem nhẹ việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phản ánh tiêu cực với mục đích xây dựng, cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục. Khi xử lý những tin, bài miêu tả những vụ án giết người rùng rợn, những vụ “yêu râu xanh”, hoặc những vụ mang màu sắc mê tín dị đoan, những hình ảnh nhạy cảm… chúng tôi thường nghĩ, nếu đưa những tin này cho con em mình xem thì có được không? Nếu được thì cho đăng. Nói thế để thấy, chúng ta đưa tin phải có trách nhiệm với xã hội, trong đó có chính gia đình chúng ta, con em chúng ta.

- Nhà báo Trương Lê Kim Hoa: Mảng văn hóa, đối với nhiều tờ báo có thể chỉ là mảng “thêm nếm” thôi, tuy nhiên, chuyên sâu vào mảng này lại là một lĩnh vực rộng mênh mông và không hề “vô thưởng vô phạt” như nhiều người nghĩ. Văn hóa không chỉ là “cờ đèn kèn trống”, vui chơi giải trí, mà còn là vấn đề tư tưởng, nghệ thuật và con người… Trong xử lý thông tin nhạy cảm, chúng tôi luôn quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến là giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo, thông tin phải bảo đảm khách quan, trung thực và nhân văn. Trước một sự kiện, tình huống, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: vấn đề này có đúng không (bảo đảm tính khách quan, trung thực), vấn đề này có ích cho ai khi mình đưa lên (bảo đảm tính định hướng) và vấn đề này có nhân văn không, có xúc phạm đến cá nhân văn nghệ sĩ (tính nhân văn) hay không… Khi trả lời được thỏa đáng các câu hỏi đó thì chúng tôi sẽ biết mình phải xử lý như thế nào, dù thông tin nhạy cảm đến đâu.

Điều chỉnh “đèn vàng” bằng đạo đức nghề nghiệp

- Có nhận định cho rằng: “Nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử thời gian gần đây thường đưa tin theo xu hướng giật gân, thiếu kiểm chứng để lôi kéo người đọc mà chưa quan tâm tới tác động của nó tới xã hội?”. Các anh, chị có đồng tình với nhận định này không và vì sao?


- Nhà báo Phan Huy Hà: Tôi nhất trí với nhận định này. Tuy nhiên không phải nhiều mà chỉ là một số tờ báo in và cũng không phải tất cả các báo điện tử chạy theo xu hướng này. Theo tôi, nguyên nhân xuất phát chính từ quan điểm của lãnh đạo tờ báo. Nếu lãnh đạo báo không cho đăng những loại tin giật gân, câu khách, không cho đăng những tin thiếu kiểm chứng thì sẽ không có phóng viên nào viết và đưa tin dạng này. Vì viết mà không được duyệt, không được đăng thì viết làm gì.

Báo chí có quyền thông tin phản ánh thế giới như nó vốn có, bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống, con người và xã hội. Nhưng báo chí phải có trách nhiệm với xã hội, phải có trách nhiệm bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi bị xâm hại và bị xúc phạm vô căn cứ. Nếu đưa tin mà chỉ quan tâm đến việc lôi kéo độc giả mà không quan tâm đến tác động xã hội, nhất là các tác động tiêu cực, thì sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.

- Nhà báo Trương Lê Kim Hoa
: Tôi nghĩ, việc một số tờ báo để lọt những thông tin chưa được kiểm chứng là điều đáng tiếc. Tất nhiên có những trường hợp là do tai nạn nghề nghiệp khó tránh khỏi; có những trường hợp là do ẩu. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, tôi nghĩ là do “phá rào” để có được những thông tin giật gân, câu khách, bất chấp đúng sai… Nhiều khi là cố ý tung tin để tạo được sự chú ý của dư luận.

- Về lý do tình trạng trên, có ý kiến cũng cho rằng đó là do quy trình biên tập có lỗ hổng. Thưa nhà báo Bùi Sỹ Hoa, từ góc độ một tờ báo điện tử, anh có đồng tình với quan điểm này không?


- Nhà báo Bùi Sỹ Hoa: Tôi đồng tình một phần với nhận định này, lỗi xảy ra có thể do quy trình có lỗ hổng, nhưng cũng có thể xuất hiện lỗi ngay trong một quy trình đúng. Sản phẩm báo chí là sản phẩm tập thể và mỗi khâu đóng góp theo chức năng nhiệm vụ của mình. Thông thường thì sản phẩm sẽ đi theo đường từ phóng viên, biên tập viên, đến trưởng ban, thư ký tòa soạn và đến Ban Biên tập rồi mới được in hoặc xuất bản. Tuy nhiên, không phải lúc nào tin, bài cũng đi được qua ngần ấy khâu, do nhu cầu xuất bản nhanh hoặc trực tiếp của báo điện tử. Với những sự kiện tường thuật trực tiếp, có khi phóng viên chuyển về thì thư ký tòa soạn biên tập trực tiếp rồi xuất bản ngay. Về logic, sản phẩm càng qua ít khâu xử lý thì khả năng mắc lỗi càng cao.

- Anh chị có kiến nghị gì về công tác quản lý báo chí, cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hạn chế tối đa những tin, bài gây tác dụng ngược như đã đề cập ở trên?


- Nhà báo Bùi Sỹ Hoa: Làm báo thì cần thiết nhất là nguồn tin và xác định thông tin nhạy cảm. Dường như các cơ quan nhà nước ngày càng ngại tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là các cơ quan nhà nước cấp bộ, ngành, địa phương. Quy chế người phát ngôn được kỳ vọng sẽ giải quyết bớt tình trạng né tránh cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng sự chuyển biến còn chậm chạp. Việc xác định thông tin nhạy cảm ngày càng khó bởi tình hình thế giới không ngừng diễn biến phức tạp, tình hình trong nước cũng có nhiều biến động. Có những thông tin đăng ở tạp chí thì được nhưng đưa lên báo điện tử thì là nhạy cảm. Có những thông tin đăng ngày mai thì được nhưng hôm nay đưa thì chưa phù hợp. Trong bối cảnh này, cách tốt nhất để cơ quan báo chí quyết định đúng là được cung cấp thông tin một cách nhanh chóng đầy đủ.

- Nhà báo Phan Huy Hà: Dưới góc độ một người làm báo, chỉ xin kiến nghị với các đồng nghiệp khi xử lý tin, bài cần đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và tờ báo. Tin phải chính xác, trung thực, không thiên vị, độc lập với lợi ích và sự sắp đặt bên ngoài. Thông tin luôn đặt tiêu chí phục vụ lợi ích của công chúng lên hàng đầu thì sẽ hạn chế được tình trạng trên.

- Nhà báo Trương Lê Kim Hoa: Tôi nghĩ, tất cả những điều trên đều đã được quy định trong Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chỉ có điều không có bộ luật nào lại chặt chẽ đến mức thích ứng với mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Vẫn luôn tồn tại những ranh giới mờ, giữa những điều được phép và không được phép. Ranh giới đó chính là “đèn vàng”, chỉ có thể điều chỉnh bằng đạo đức nghề nghiệp và năng lực của nhà báo.

- Xin chân thành cảm ơn các anh, chị!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo và trách nhiệm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.