Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo Hoàng Tùng: Nhân cách cao thượng, tư duy đặc sắc

PGS. TS Đức Vượng| 02/07/2010 07:11

(HNM) - Một chiều tháng 8-2000 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Praha, Cộng hòa Séc, tôi đang đàm đạo với mấy anh em trí thức Việt kiều ở châu  Âu thì có người mang đến một bức thư của bác Hoàng Tùng gửi sang. Tôi mừng quá, bóc ngay ra đọc.

Trong thư, bác hỏi về công việc nghiên cứu của tôi ở bên này, đã có công trình gì mới chưa? Tôi liền viết thư gửi bác, báo cáo rằng tôi đang viết cuốn “Những ngày ở Séc”. Sách được xuất bản ở Séc vào năm 2001, tái bản tại Việt Nam năm 2006 (NXB Lao động). Tạp chí “Quê hương” xuất bản tập thơ “Quê hương và tình yêu” của tôi (NXB Thanh Niên tái bản vào năm 2006 với tên mới “Tình đời”). 

Nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: Thành Phương

Khi về nước, tôi biếu bác Hoàng Tùng cuốn sách và tập thơ ấy. Bác thích lắm, gọi điện báo là đã đọc một mạch những sách, thơ tôi gửi. Tôi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia từ năm 1999 đến 2002. Trong thời gian ấy, tôi và bác Hoàng Tùng thường trao đổi thường xuyên với nhau qua thư từ và điện thoại.

Tôi được biết bác Hoàng Tùng từ năm 1975, khi về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng Trung ương. Trong suốt thời gian tôi công tác tại đây, rồi sang Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ với bác. Những lần gặp gỡ giúp tôi hiểu thêm về nhân cách của bác. Có lần, thấy bác đi xe ôm đến Hội đồng Lý luận Trung ương để trao đổi về một số vấn đề lý luận, tôi hỏi bác: “Sao bác không đi ô tô, bác có tiêu chuẩn đi xe mà”. Bác nói: “Mình đã về hưu, nên đi xe ôm cho tiện”.

Tôi thường xuyên đến nhà bác ở số 6 Đường Thành, Hà Nội để hỏi những vấn đề về lịch sử Đảng và kinh nghiệm nghiên cứu lý luận. Một lần, Bác bảo: “Tôi coi chú như người bạn vong niên”. Tôi nói: “Cháu không dám, chỉ đáng bậc con cháu của bác thôi”. Bác nói lại: “Chú còn phong kiến lắm”. Rồi Bác kể rằng năm 1917, Bác Hồ đến Paris (Pháp). Năm ấy, Bác Hồ mới 27 tuổi, làm quen và chơi rất thân với đại văn hào người Pháp là Henri Barbuse, tác giả của tiểu thuyết “Khói lửa” nổi tiếng thế giới. Lúc ấy, vị nhà văn Pháp đã 44 tuổi, hơn Bác Hồ 17 tuổi. Vậy mà họ vẫn là bạn thân của nhau, từng dạo chơi trên bờ sông Xen của Pari tráng lệ rất tâm đầu ý hợp.

Được gặp bác Hoàng Tùng thường xuyên, tôi cảm nhận bác là người có nhân cách cao thượng, gần gũi mọi người, nhất là đối với lớp trẻ và những trí thức bình dân như chúng tôi, không phân biệt sang, hèn, địa vị cao, thấp, không hề lên mặt “quan cách mạng”. Có lần, bác Hoàng Tùng tâm sự với chúng tôi: “Vấn đề không phải ở cái ghế, mà ở cái đầu. Có người ngồi ghế cao nhưng đầu óc lại rỗng tuếch, lại có người ngồi ghế thấp nhưng đầu óc lại tinh thông. Cho hay, ở đời, đừng nên phân biệt cao, thấp, sang, hèn làm gì, mà phải tính đến sự cống hiến cho xã hội của người đó”. Theo bác Hoàng Tùng, nhân cách chính là phẩm chất con người, mà phẩm chất lại do cái đức, cái tài tạo nên. Bác Hoàng Tùng thường nói với chúng tôi về chủ nghĩa nhân đạo, rằng chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo chân chính của toàn nhân loại mà mục đích là giải phóng những người lao động thoát khỏi sự áp bức, bất công. Nguyên tắc cao nhất của chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là vì lợi ích của con người, lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của bản thân. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người là vốn quý nhất.

Qua những ngày được làm việc với bác Hoàng Tùng và nghiên cứu những bài viết, cuốn sách của bác, tôi thấy tư duy của bác đặc sắc lắm, nhạy bén lắm. Bác viết rất nhanh và rất hay. Nhớ lại, hồi nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã được thưởng thức những bài xã luận đăng trên báo “Nhân Dân” do bác Hoàng Tùng viết. Những bài bác viết, đọc lên thấy sang sảng, rạo rực lòng người, hừng hực khí thế, như tiếng trống, tiếng kèn thúc giục người chiến sĩ xông trận nơi tiền tuyến. Bản anh hùng ca chiến trận Việt Nam được nhà báo cự phách Hoàng Tùng thể hiện một cách vô cùng sinh động trong các bài viết, cuốn sách của mình. Năm 1984, NXB Sự thật ra cuốn sách “Đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống” của bác. Sách mỏng, chỉ 51 trang, vậy mà gói đủ sự phân tích rất sâu sắc nguyên nhân vì sao nhân dân thế giới rất muốn hòa bình nhưng lại phải hứng chịu chiến tranh. Đó là vì lợi ích ích kỷ mà các nước lớn xâm lược nước bé, những tay lái súng muốn chiến tranh để trục lợi và điều này thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản. Cuốn sách chỉ ra khả năng to lớn của loài người đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Tư duy đặc sắc của bác Hoàng Tùng còn thể hiện ở khả năng lựa chọn ngôn ngữ. Có lần, bác nói với chúng tôi: “Viết kinh tế thị trường, chính là kinh tế chợ, có khi nói thẳng là kinh tế chợ để cho bà con lao động dễ hiểu”. Bác Hoàng Tùng là người hiểu nhiều, biết rộng. Bác thường kể cho chúng tôi nghe về Ngô Quyền bố trí chiến trận thế nào để chiến thắng quân Nam Hán. Lý Thường Kiệt dùng binh thế nào để thắng được quân Tống. Trần Hưng Đạo với chiến lược quân sự thần kỳ đã đánh tan quân Nguyên. Lê Lợi, Nguyễn Trãi biết “đánh vào lòng người” trước khi “đánh vào lòng địch” để tiêu diệt quân Minh. Quang Trung đánh tan tác quân Thanh xâm lược bằng trọng dụng nhân tài. Bác Hoàng Tùng am tường nhân vật lịch sử. Tôi cũng chưa rõ bác học lúc nào mà trình độ uyên bác đến thế, viết hay đến thế.

Cảm phục tài năng, đức độ của bác Hoàng Tùng, ngày 30-8-2000, trong lúc đang công tác ở Praha, tôi có làm bài thơ nhan đề: “Kính gửi bác Hoàng Tùng” (đã được in trong tập thơ “Quê hương và tình yêu”, được tái bản ở Việt Nam trong tập thơ “Tình đời”). Bài thơ có những câu:

“Chiều nay, ngồi luận anh hùng
Được thư của bác Hoàng Tùng gửi cho.
Cảm lòng nước mắt ứa ra
Một cây đại thụ chói lòa nhân tâm.
Một nhà tư tưởng tấm lòng
Tinh thông kinh sử rực hồng nhân văn”.

...

Bác Hoàng Tùng đã vĩnh biệt chúng ta. Chẳng ai cưỡng được mệnh trời. Bác Hoàng Tùng ra đi nhưng tình cảm của bác để lại trong lòng chúng tôi rất sâu sắc. Xin bác nhận cho những giọt nước mắt từ đáy lòng chúng tôi nhớ bác và tiễn bác về nơi đất trời bao la…

Thương nhớ bác Hoàng Tùng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Hoàng Tùng: Nhân cách cao thượng, tư duy đặc sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.