Này anh ơi sao mà anh không biết/ Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương/ Mùi hương thơm ơi mà sao thơm thế/ Ôi, Tiffani dành cho mọi người”. Đó là bài hát quảng cáo sản phẩm nước hoa Thanh Hương của giám đốc Nguyễn Văn Mười Hai được phát ra rả trên truyền hình và sóng phát thanh vào “giờ vàng” mấy năm liền...
Trong dịp ân xá nhân Quốc khánh, gặp Nguyễn Văn Mười Hai tại trại giam Xuân Lộc (Long Khánh) và đến giờ Mười Hai vẫn không biết vì sao mình có thể làm thiệt hại số vàng lớn như thế – hơn 40.000 cây vàng ?
Tại tui háo danh quá(!?)
Khi chúng tôi từ phân trại 2 trở về đã thấy Mười Hai ngồi trên bộ ghế salon gỗ trong góc sân nhà khách, đang huơ tay lung tung trong lúc nói chuyện với cán bộ trại giam. Sau khi nghe giới thiệu, Mười Hai nói một mạch: “Dạo này người em yếu quá, cũng già rồi cán bộ, em vào tù 17 năm còn gì. Hồi mới vào, em khỏe lắm, bổ củi hay đập đá, em làm hết. 5 năm nay, cứ trời mưa như vầy là đau mình, nhức mẩy quá”.
Một giám đốc với cặp kính trắng, bộ vest đen, đi chiếc xe đắt tiền, bóng lộn cùng đám vệ sĩ mặc đồ đen, cúi rạp người chào đón chủ ở nơi làm việc hay tại nhà hàng, cứ tưởng như trong phim xã hội đen. Đó là thời hoàng kim của ông giám đốc nước hoa Thanh Hương ngày xưa. Còn bây giờ….? “Những ngày này thấy người ta được đặc xá, anh có buồn không?”. Tôi hỏi. “… Không buồn, nói thiệt. Tui biết tui thiếu tiêu chuẩn nên không được xét. 40 tỉ đồng lận… làm sao có mà khắc phục được, cán bộ ? Hồi xưa, mấy ngàn cây vàng mới là 1 tỉ, tui phải khắc phục 40 tỉ, vậy ra tôi nợ mấy chục ngàn cây vàng lận sao. Trả không nổi nên tui mới ở tới giờ”.
Hỏi chuyện vợ con bây giờ thế nào, Mười Hai ngậm ngùi: “Hai đứa con tôi bây giờ lớn lắm rồi. Con trai 26 tuổi, con gái 25 tuổi, cả hai đứa đều đi làm nhân viên, tối về ở với mẹ nó. Vợ tôi làm oshin”. Tôi giải thích oshin khác với làm nội trợ, Mười Hai cười: “Vậy là vợ tôi làm nội trợ cho con tôi thôi chứ không phải làm oshin”.
Tôi hỏi :”Vì sao hồi trước chỉ làm nước hoa mà huy động vốn nhiều thế?”, Mười Hai cúi mặt: “Tôi quên hết rồi cán bộ”. Rồi bỗng Mười Hai rất sôi nổi: “Lúc đầu mình cần vốn làm ăn, có huy động thiệt. Thấy tôi trả tiền lãi cao, bà con lãnh tiền lời nhiều nên tự rủ nhau mang tới gửi rất đông. Mà thôi, giờ gia đình tôi không còn đồng nào, vợ con sống vất vả lắm”. Xuống giọng, Mười Hai tâm sự vì “hồi đó tôi háo danh quá, mới học hết cấp 3, thi đậu Cao đẳng Sư phạm nhưng không thích học mà lại muốn làm giàu”. Hồi mới vào tù, Mười Hai suy sụp, chán sống và sợ hãi, “thấy thời gian đi sao chậm quá, sợ lắm”. Hồi trước ở bên Z30D, hai vợ chồng ở hai trại khác nhau. Thỉnh thoảng đi lao động hai người mới gặp nhau, chỉ giơ tay chào nhau và nói mỗi câu “Cố gắng nghe…”. “May mà nhà nước thương cho cô ấy về sớm nuôi con. Tôi cũng buồn lắm nhưng làm sao được. Tôi làm khổ nhiều người quá, có nói xin lỗi cũng chẳng ăn thua gì …”. Giọng Mười Hai chùng xuống, vẻ ân hận.
Ước mơ hòa nhập
“Bây giờ anh nghĩ gì, muốn gì ?”. Mười Hai nhìn ra ngoài trời đang mưa, buồn buồn: “Tôi mong được trở về nhà làm lại từ đầu. Vợ con tôi đang ở đậu nhà bác. 17 năm ăn cơm trại quen rồi, không biết khi được về thì mình có hòa nhập vào xã hội được không. Tôi chỉ ước mơ kiếm được việc làm ổn định để mua lại một căn nhà nho nhỏ, đủ để vợ chồng con cái sống chung với nhau. Chắc là sẽ khó khăn lắm”.
Tôi hỏi: “Anh nói nghe khổ vậy, sao nghe nói anh hùn tiền với trại mở căn tin bán cơ mà, có khá không?”. Mười Hai giãy nảy: “Họ đồn đó. Tôi lao động đủ thứ, từ đập đá, bổ củi, trồng rau rồi làm trật tự, văn hóa, thi đua… trại phân việc gì tôi làm hết.Sau đó tôi bị đau bụng dữ dội, đau rất lâu ...(Mười Hai ôm bụng diễn tả nhiệt tình cảnh quằn quại … đau) không ai biết đau vì cái gì. Sau đó mới biết là đau ruột thừa mà lúc đó mủ nó đóng cứng lại như cục hắc ín (?!) dưới cái rún nè”.
Anh định kéo áo đưa bụng cho xem, tôi xua tay thì anh kéo áo xuống nói tiếp: “Mổ ra rồi chẳng làm gì được cái cục đó, rồi thôi, may lại (?!). Sức khỏe tôi giờ không còn tốt như xưa nên cán bộ phân tôi qua làm việc ở nhà bếp”. “Còn chuyện mở căn tin…?”. Nghe hỏi, Mười Hai lấp lửng: “Tôi làm việc ở căn tin nhà trại, phục vụ cho phạm nhân, lúc thì cán bộ kêu tôi qua làm kế toán, khi bảo tính sổ mua bán này nọ. Chuyện gì tôi cũng làm hết. Khi tính tiền, lúc pha nước chanh, hồi thì bưng mì …” rồi anh nói sang chuyện trồng cây, làm bánh chưng Tết trong trại …
Theo SGGP
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.