(HNM) - Trong mắt những người cùng công tác, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà chính trị lão luyện, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (ngày 1-5-1990). Ảnh: Minh Đạo – TTXVN |
Đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới đất nước
Đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo của Đảng có uy tín lớn trong nhân dân, hoạt động rộng ở trên mọi lĩnh vực, nơi nào khó khăn thì đồng chí có mặt. Hiếm có đồng chí lãnh đạo nào tham gia Trung ương Đảng trên 45 năm từ Ủy viên Trung ương Đảng; 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong quá trình công tác, đồng chí từng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở các địa phương, vào những thời điểm khó khăn như tỉnh Hà Đông (cũ), TP Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Liên khu III...; được giao làm lãnh đạo cao nhất của những bộ, ngành quan trọng về kinh tế như Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá nhà nước, Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng, Bộ Xây dựng... Cùng với trên cương vị Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tên tuổi đồng chí gắn bó với nhiều công trình lớn của đất nước như: Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình; Thủy điện Sông Đà, Yaly, Trị An; khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, Nam Côn Sơn, Đại Hùng; công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, An Giang; công trình đặc biệt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngoài ra còn có những công trình như mỏ Mạo Khê, cầu Thăng Long... Tôi còn nhớ liên quan đến việc xây dựng cầu Thăng Long, để làm việc với phía bạn, có những cuộc họp đồng chí Đỗ Mười chủ trì họp thông trưa, nhịn cơm để bàn bạc, chuẩn bị. Tất cả đều toát lên tinh thần trách nhiệm rất cao với công việc của đồng chí.
Tôi làm công tác Mặt trận nên rất hiểu sự quan tâm, chăm lo, đóng góp của đồng chí Đỗ Mười trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ xây dựng Cương lĩnh chính trị của Đảng (năm 1991) làm rõ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đồng chí còn quan tâm, chỉ đạo xây dựng nghị quyết về Mặt trận; cố vấn, giúp ra được luật về MTTQ Việt Nam. Đồng chí thường xuyên cổ vũ những vấn đề Mặt trận cần làm để phát huy dân chủ, tổ chức cuộc vận động vì người nghèo, làm nhà đại đoàn kết... Đặc biệt, đồng chí chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ có quy chế, chúng ta mới phát huy được dân chủ, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, giúp bảo đảm vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước; tạo điều kiện cho đất nước đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Đỗ Mười cho đất nước thể hiện rõ nhất trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997. Đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, bao nhiêu khó khăn đặt ra cho người “cầm lái”, làm sao để “con tàu” đất nước không bị chệch hướng, đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập mà không hòa tan. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm tất cả, thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc đưa đất nước vững vàng đi lên, vượt qua khủng hoảng thời kỳ bao cấp, sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô; phá thế bao vây cấm vận; hội nhập thành công với thế giới; góp phần đạt được những thành tựu mở đường có ý nghĩa lịch sử cho đến tận ngày nay.
Vinh dự, tự hào và hạnh phúc được gần gũi người anh lớn
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại trụ sở UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội (năm 1996). Ảnh: TTXVN |
Với tôi, đồng chí Đỗ Mười là tấm gương tiêu biểu về học tập suốt đời, lúc nào cũng học, đọc, nắm bắt tình hình cơ sở. Lần nào đến nhà đồng chí, từ lúc còn công tác đến sau này về nghỉ chế độ, không lần nào tôi thấy đồng chí rời sách, báo. Đồng chí đọc, rồi đánh dấu, mời cán bộ liên quan đến trao đổi, làm rõ, từ đó ra các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo. Sau này khi đã nghỉ công tác, bằng kinh nghiệm sâu sắc, trí tuệ mẫn tiệp, mỗi lần gặp, đồng chí đều gợi mở cho chúng tôi nhiều nội dung quý về đối nội, đối ngoại. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo gắn bó mật thiết với cơ sở, không chỉ chăm đi cơ sở, đồng chí luôn tìm hiểu ngọn ngành, không bao giờ chỉ nghe ý kiến một cá nhân, bao giờ cũng nghe ý kiến tập thể, nhiều chiều trước khi đưa ra quyết định về việc nào đó.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn là nhà lãnh đạo luôn chăm lo xây dựng lực lượng kế cận, trọng dụng nhân tài, coi trọng việc xây dựng giai cấp công nhân, giới trí thức... Không chỉ trọng dụng nhân tài trong Đảng, đồng chí Đỗ Mười còn quan tâm, trọng dụng người ngoài Đảng có chung “mẫu số” của Đảng đề ra. Lúc tôi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi đề xuất anh Tôn Thất Bách, không phải là đảng viên làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đồng chí Đỗ Mười. Kết quả, anh Tôn Thất Bách làm Hiệu trưởng hai khóa rất thành công. Đồng chí Đỗ Mười thường xuyên nhắc nhở chúng tôi phải học tập Bác Hồ về cách trọng dụng người tài, về tấm gương Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, một người ngoài Đảng nhưng đảm đương rất tốt vị trí lãnh đạo ngành Giáo dục...
Tôi có rất nhiều kỷ niệm, những ấn tượng sâu sắc về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhưng điều đáng nhớ nhất là tôi thấy ở đồng chí, người anh lớn luôn quan tâm giáo dục, giúp đỡ, dìu dắt thế hệ kế cận, đối với cấp dưới. Khi đã giao nhiệm vụ, đồng chí luôn đặt trọn niềm tin vào cấp dưới, tạo điều kiện cho anh em làm việc; vì vậy, chúng tôi rất vững vàng, tự tin thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, những sự việc lớn như vỡ quỹ tín dụng năm 1989; cháy chợ Đồng Xuân (năm 1994); đặc biệt là vụ mất ổn định ở tỉnh Thái Bình (năm 1997) đều đã được giải quyết tốt, giữ được tình hình ổn định. Tôi còn nhớ, khi làm Trưởng ban Dân vận Trung ương khóa VIII được giao về tham gia giải quyết vụ việc ở tỉnh Thái Bình, có những hôm 2h đêm ở Thái Bình gọi điện về trao đổi với đồng chí Đỗ Mười, đồng chí trao đổi từng vấn đề cặn kẽ, chỉ đạo tỉ mỉ. Sau đó, đồng chí yêu cầu đồng chí Phan Văn Khải, Lê Khả Phiêu và tôi dành cả một buổi tối để trao đổi xử lý từng việc. Nhờ đó, vụ việc được giải quyết ổn thỏa.
Chăm lo, gần gũi với nhân dân, dù ở cương vị cao, bận nhiều công việc của Đảng, nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn quan tâm, dành tình cảm cho đồng chí, đồng bào, sống chan hòa và gần gũi với mọi người. Khi đã làm Tổng Bí thư, đồng chí vẫn thường xuyên đến thăm gia đình tôi, thăm sức khỏe mẹ tôi. Đồng chí nói với mẹ tôi rằng: “Cụ còn khỏe, tôi còn đến thăm”. Những tình cảm đó khiến tôi vô cùng cảm động, càng nỗ lực, trách nhiệm hơn trong công tác.
Thâm tâm tôi luôn dành sự cảm phục, kính trọng đối với đồng chí Đỗ Mười, nhà chính trị lão luyện, học trò xuất sắc của Bác Hồ; tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; nhà lãnh đạo được cán bộ và nhân dân yêu mến. Tôi cảm thấy tự hào, vinh dự và hạnh phúc được gần gũi và học tập một người anh, bậc tiền bối như đồng chí. Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng là những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước dành tặng, ghi nhận công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Đỗ Mười, nhưng cái chính là đồng chí luôn được ghi nhận trong lòng cán bộ, nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.