Bị cáo Thuần, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP, thừa nhận, liên quan đến việc ký các hợp đồng và đã nhận 275 triệu đồng từ cấp dưới là Lương Cao Sơn nhưng lại cho rằng
Sáng 13/1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến dự án "Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước" xảy ra tại Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ. Khi vị Chủ tọa làm thủ tục kiểm tra căn cước, các bị cáo đều khai báo rõ ràng. 20 luật sư đã tham dự phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính. HĐXX đã triệu tập 18 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có năm người có mặt. Trong số ba nhân chứng đặc biệt quan trọng được HĐXX triệu tập tới tòa thì cũng chỉ một nhân chứng có mặt. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và luật sư Đào Hữu Đăng đề nghị HĐXX triệu tập đủ ba nhân chứng được cho là rất quan trọng, nếu không cần hoãn phiên tòa. Các luật sư còn đề nghị HĐXX triệu tập thêm Giám định viên tài chính, bởi đó là đại diện cơ quan chuyên môn nhằm xác định mức độ thiệt hại, qua đó mới có thể kết tội các bị cáo khách quan. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa vẫn quyết định tiếp tục xét xử với lý do là lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã có trong hồ sơ vụ án. Khi HĐXX hỏi, hai bị cáo là Lương Cao Phi và Lương Cao Phong (bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi") đã từ chối nhận luật sư bào chữa. Trong số 23 bị cáo hầu tòa, chỉ có 2 bị cáo Vũ Đình Thuần và Lương Cao Sơn bị tạm giam. Luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho bị cáo Vũ Đình Thuần. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Điều hành Đề án 112, bị cáo Vũ Đình Thuần cùng 19 bị can khác cùng bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ". Ngoài 20 bị can bị cáo buộc ở tội danh này, ba người khác là Lương Cao Phi, Lương Cao Phong và Công Tuấn Hải bị cáo buộc có hành vi "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Các bị cáo trước tòa.
Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Vũ Đình Thuần liên quan đến việc ký hơn 100 hợp đồng với đối tác là các công ty tin học, nhà xuất bản… trong việc đào tạo, làm phần mềm, in ấn giáo trình tài liệu khống giá để rút tiền từ đề án. Những hợp đồng này khi thực hiện đã vi phạm các quy tắc về đấu thầu, gây thiệt hại của Nhà nước gần 4,7 tỷ đồng, đáng nói là mỗi hợp đồng ký kết đều kèm những thoả thuận về "hoa hồng".
Để tạo cơ hội cho Công ty Tin học ISA nhận được gói thầu trang bị phần mềm cho đề án, Tổng Giám đốc Nguyễn Thúy Hà đã chung chi cho Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Lương Cao Sơn hơn 300 triệu đồng. Sau khi Lương Cao Sơn chi cho Trưởng ban Điều hành về thỏa thuận hoa hồng này, ISA đã được chấm thầu trang bị phần mềm, 23 hợp đồng cung cấp sách trị giá 2,8 tỷ đồng. Ban điều hành Đề án 112 ký với Tổng Công ty Sách Việt
Những việc làm của ông Thuần trước đó đã bị quy kết vào tội tham ô tài sản. Tuy nhiên sau đó ông Thuần đã được đình chỉ điều tra tội danh này, chỉ bị quy tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Lương Cao Sơn được thẩm vấn đầu tiên. HĐXX thẩm vấn bị cáo Sơn các vấn đề liên quan đến quy chế đấu thầu, ký thầu, mối quan hệ với một số bị cáo trong vụ án này, đặc biệt là những khoản tiền hoa hồng hàng trăm triệu đồng mà đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đấu thầu chi cho Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ.
Bị cáo Sơn khai nhận, các hợp đồng trước khi được Trưởng ban Vũ Đình Thuần ký đều phải qua Sơn giám sát, thẩm định khâu cuối cùng và ký nháy rồi mới trình Trưởng ban.
Sơn khai, trong các khoản tiền hoa hồng đã nhận từ các đối tác do ký hợp đồng mà có, đều chi cho Trưởng ban Vũ Đình Thuần và những người liên quan. Tuy nhiên, Sơn đổ thừa: "Nếu xảy ra sai phạm trong các hợp đồng đã ký kết với các đơn vị hoặc doanh nghiệp thì người chịu trách nhiệm là ông Thuần chứ không phải bị cáo".
Cáo trạng truy tố Lương Cao Sơn làm trái công vụ, đề xuất với ông Vũ Đình Thuần không tổ chức đấu thầu các gói thầu của Đề án 112, bỏ qua các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ, gây thiệt hại của Nhà nước gần 4,7 tỷ đồng. Cá nhân Sơn hưởng lợi 749 triệu đồng. Nhưng trong ngày đầu xét xử, Sơn phủ nhận một số lời khai đã khai trước cơ quan điều tra trước đây.
Bị cáo Vũ Đình Thuần được thẩm vấn thứ hai. HĐXX thẩm vấn bị cáo Thuần về những sai phạm trong việc ký các hợp đồng in giáo trình tài liệu với Nhà xuất bản Tư pháp, Tổng Công ty Phát hành Sách Việt Nam, Công ty In khuyến học; ký hợp đồng mua sắm bản quyền phầm mềm của Công ty ISA; triển khai Trung tâm tích hợp dữ liệu với Công ty Toàn Cầu và Công ty Nhất Vinh…
Bị cáo Thuần cho rằng "về nội dung các hợp đồng đã ký không sai, nhưng sai về thủ tục". Bị cáo Thuần cũng thừa nhận, liên quan đến việc ký các hợp đồng và đã nhận 275 triệu đồng từ cấp dưới là Lương Cao Sơn nhưng lại cho rằng "khi nhận tiền không ý thức được đó là tiền gì". Cáo trạng truy tố ông Vũ Đình Thuần giữ vai trò chính trong việc quyết định ký và thực hiện các hợp đồng, vì động cơ vụ lợi mà làm trái công vụ gây thiệt hại gần 4,7 tỷ đồng của Nhà nước, hưởng lợi cá nhân 275 triệu đồng.
Cùng trả lời thẩm vấn trong ngày đầu tiên còn có bị cáo Hoàng Văn Bảo, chuyên viên Vụ Cải cách hành chính VPCP và Nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học ISA Nguyễn Thúy Hà. Cả hai bị cáo Bảo và Hà đều chưa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.