Cuộc chiến giữa người I-xra-en và người Pa-le-xtin là một trong những cuộc xung đột dai dẳng và phức tạp nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những tranh chấp về vùng lãnh thổ nằm ở bờ phía Đông Địa Trung Hải và bờ tây sông Gioóc-đan.
Cuộc chiến giữa người I-xra-en và người Pa-le-xtin là một trong những cuộc xung đột dai dẳng và phức tạp nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những tranh chấp về vùng lãnh thổ nằm ở bờ phía Đông Địa Trung Hải và bờ tây sông Gioóc-đan. Nhiều năm qua, người Pa-le-xtin phải chịu cảnh bị đàn áp, chiếm đóng, sống không có đất đai đồng thời phải đấu tranh giành chủ quyền với một quốc gia đã gây cho họ nhiều đau thương và mất mát. Còn người I-xra-en thì thực hiện được ước mơ phục quốc sau hơn 2 thế kỷ sống lang bạt khắp thế giới. Tuy nhiên, họ chưa khi nào họ được sống trong hoà bình và ổn định vì phải đối phó với rất nhiều khó khăn do liên tục phải chịu sự ghe lạnh của các quốc gia láng giềng và sức ép của các quốc gia có thế lực.
Năm 2003, nhằm xoa dịu những bất đồng của các quốc gia Ả rập và cộng đồng quốc tế sau khi tiến hành cuộc chiến phi nghĩa với I-rắc và lật đổ Tổng thống Xa-đam Hu-xen, Mỹ đã nhanh chóng xúc tiến các bước ngoại giao để đẩy nhanh tiến trình hoà bình Trung Đông. Tuy nhiên, liệu những nỗ lực của Mỹ có thể đem lại hoà bình cho khu vực chưa hề "yên lặng" trong suốt hơn 3000 năm qua? Hànộimới Điện tử xin cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan và những mốc thời gian đáng ghi nhớ trong lịch sử cuộc chiến dai dẳng này.
Kỳ I - Nguyên nhân xung đột.
Vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên (Tr.CN) tại vùng đất của I-ra-en và Pa-le-xtin hiện nay có nhiều bộ tộc sinh sống, đầu tiên là người Cannan, Pa-le-xtin họ thành lập ra nước Cannan và Pa-le-xtin. Đến năm 1250 Tr.CN, tổ tiên của người Do Thái là người Hebrew cũng tới định cư ở khu vực này, họ đánh nhau liên miên với người Cannan và người Pa-le-xtin. Năm 1023 Tr.CN, vương quốc của người Hebrew đã được thành lập trên một vùng của Pa-le-xtin và đóng đô ở Giê-ru-xa-lem. Người Do Thái đã xây dựng ở đây một thánh điện có quy mô hùng vĩ và Giê-ru-xa-lem trở thành trung tâm chính trị, tôn giáo của người Do Thái cổ.
Năm 64 trước công nguyên, đế quốc La Mã xâm lược Pa-le-xtin và thực hiện nền thống trị vô cùng hà khắc. Người Do Thái chống lại chế độ tàn bạo của La Mã, đã lần lượt tiến hành bốn cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và bị đàn áp đẫm máu. Hơn một triệu người Do Thái bị tàn sát, nhiều người bị trục xuất phải chạy sang các nước Tây Âu hoặc bị bán làm nô lệ, những người Do Thái còn ở lại trở thành một bộ phận dân cư của nước Pa-le-xtin. Thánh điện của người Do Thái cũng bị phá huỷ chỉ còn lại mấy bức tường đổ nát.
Năm 638 người Ả rập có tín ngưỡng đạo Hồi đã chinh phục Pa-le-xtin, biến nó thành một bộ phận của đế quốc Ả rập. Năm 692, vua Ha-li-pha đã xây tại Giê-ru-xa-lem nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, nhà thờ lớn thứ ba sau thánh địa Mecca và đền tiên tri Medine. Những người theo đạo Hồi cho rằng, người sáng lập ra đạo Hồi là Môhamad đã đăng tiên tại Giê-ru-xa-lem vì vậy, Giê-ru-xa-lem là đất thánh thứ ba của người theo đạo Hồi. Về sau, người ả rập không ngừng kéo đến Pa-le-xtin, đồng hoá dân cư bản địa, hình thành người Ả rập Pa-le-xtin hiện đại.
Năm 1518 đế quốc Ottoman xâm chiếm Pa-le-xtin và thống trị khoảng 400 năm và trao cho người Do Thái một số quyền tự trị.
Những người Do Thái phiêu bạt khắp thế giới vẫn giữ được tín ngưỡng, văn hoá và tập tục riêng. Đầu thế kỷ XVII, họ đã nêu chủ trương trở về Pa-le-xtin lập lại nhà nước Do Thái nhưng tư tưởng phục quốc lúc ấy còn đang nhen nhóm, ảnh hưởng không lớn và rất ít người ủng hộ. Đến năm 1896, người đi đầu của chủ nghĩa phục quốc Do Thái Theodor Herzi viết cuốn sách "Nước Do Thái" được coi như cương lĩnh của chủ nghĩa này.
Tháng 8-1897, Đại hội chủ nghĩa phục quốc Do Thái đầu tiên đã họp tại Basel, Thuỵ Sĩ và thông qua cương lĩnh Basel, xác định mục tiêu của chủ nghĩa phục quốc Do Thái là xây dựng ở Pa-le-xtin cho dân tộc Do Thái một ngôi nhà được pháp luật bảo đảm. Kể từ đó làn sóng di cư người Do Thái từ các nước Châu Âu về Pa-le-xtin bắt đầu tăng mạnh, đỉnh điểm là vào khoảng thời gian từ 1904 - 1914 với số lượng 40 000 người.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, quân đội Anh và Pháp dưới sự ủng hộ của nhân dân Pa-le-xtin đã lật đổ ách thống trị của vua Ottoman vào năm 1918. Thời kỳ này, chính phủ Anh đã đưa ra 3 bản cam kết đầy mâu thuẫn có thể được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột dai dẳng ở Trung Đông sau này.
1916: Người nhận uỷ quyền lớn nhất của Anh tại Ai Cập, ngài Henrry McMahon đã cam kết với giới lãnh đạo Ả rập thiết lập các nhà nước độc lập cho các vùng bị đế chế Ottoman chiếm đóng trước đây và người Ả rập nghĩ rằng, theo cam kết. Pa-le-xtin sẽ là một trong những nhà nước Ả rập mới độc lập. Cũng vào năm này, Chính phủ Anh đã bí mật ký hiệp định Sykes-Picot phân chia quyền quản lý vùng thuộc địa của Ottoman.
1917: Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour viết thư cho Phó chủ tịch Liên minh những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tuyên bố Chính phủ Anh ủng hộ việc thành lập ở Pa-le-xtin một gia đình dân tộc Do Thái và sẽ dốc sức thực hiện. Do có tuyên ngôn Balfour, cư dân Do Thái ở Pa-le-xtin đã tăng từ 5 vạn người (năm 1917) lên tới 44,5 vạn người (năm 1939). Những người Do Thái sau khi di cư đến Pa-le-xtin, lợi dụng sự giúp đỡ tài chính của Tập đoàn tài chính Do Thái Quốc tế, cưỡng chế mua một số đất đai, phần lớn là dựa vào sự cho phép ngầm và sự giúp đỡ của Anh, giành lấy đất đai của người Ả rập - Pa-le-xtin, xây dựng nơi định cư của người Do Thái. Một số tổ chức Do Thái còn không từ việc sử dụng những thủ đoạn tàn bạo, khủng bố, chém giết và đuổi người Pa-le-xtin ra khỏi mảnh đất mà họ đã sống hàng mấy ngàn năm.
Người Pa-le-xtin và những người Ả rập khác kịch liệt chống lại nền thống trị thực dân của Anh và sự ủng hộ của Anh đối với chủ nghĩa phục quốc Do Thái, không ngừng đấu tranh anh dũng, đặc biệt từ năm 1936 đến năm 1939, buộc Anh xem xét lại chính sách của họ, nhằm đảm bảo Trung Đông không bị rơi vào tay nước Đức thù địch, Trước chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ , Anh đã sửa đổi lại chính sách "giúp người Do Thái chống Ả rập”. Ngày 17-05-1939, Anh công bố "Sách trắng", hạn chế người Do Thái di dân về Pa-le-xtin và mua đất. Người Do Thái kiên quyết chống lại "Sách trắng". Chính quyền Anh và người Do Thái bắt đầu có rạn nứt từ đó. Điều này đã khiến người Do Thái chuyển sang tìm sự giúp đỡ của Mỹ.
Sau chiến tranh thế giới II, tình hình thế giới có sự thay đổi lớn, nhiều nước Ả rập giành được độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân. Mỹ đang ở thế thuận lợi để thay vị trí của Anh, ra sức mở rộng sang Trung Đông. Muốn ngăn chặn làn sóng người Ả rập chống đế quốc, thực dân, Mỹ cần tìm một công cụ đắc lực và đã chọn đúng chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Ngược lại, chủ nghĩa phục quốc Do Thái, về kinh tế và quân sự lại cần dựa vào những nhà tư bản Do Thái quốc tịch Mỹ và chính phủ Mỹ. Do đó, Mỹ và người Do Thái đã hợp tác với nhau.
Dưới sự thao túng của Mỹ, ngày 29-1-1947, Hội nghị Liên Hợp quốc khoá II đã thông qua quyết nghị phân trị Pa-le-xtin. Theo đó, sự uỷ trị của Anh với Pa-le-xtin phải chấm dứt trước ngày 1-8-1948 và rút quân đội khỏi Pa-le-xtin. Sau hai tháng, tại khu vực Pa-le-xtin sẽ xây dựng hai nhà nước Ả rập và Do Thái với 47% diện tích lãnh thổ Pa-le-xtin gồm những mảnh đất to nhỏ không liền nhau, phần lớn là gò đồi và khu vực cằn cỗi thuộc về 1,2 triệu người Ả rập còn 57% diện tích gồm những dải đất ven biển mầu mỡ thuộc về 60 vạn dân Do Thái.. Thành phố Giê-ru-xa-lem sẽ do Liên Hiệp quốc quản lý.
Người Do Thái nhanh chóng tiếp nhận quyết nghị này vào ngày 14-05.1948. Mười phút sau đó, Mỹ lập tực tuyên bố thừa nhận nhà nước Do Thái. Nhà nước Ả rập chưa thể xây dựng được, ngược lại, rất nhiều người Ả rập -Pa-le-xtin đã bị mất nhà cửa. Do đó, các nước Ả rập đã từ chối tiếp nhận quyết nghị phân trị của Liên Hiệp Quốc và ra quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng để giành lại sự công bằng. Sau 2 ngày nước I-xra-en thành lập, chiến tranh I-xra-en và 7 nước Ả rập bùng nổ. Từ đó khu vực Trung Đông luôn gặp sóng gió. Hơn 50 năm qua, nơi đây luôn luôn là điểm nóng dai dẳng và đã tổn thất nặng nề cho nhân dân các nước trong khu vực. Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) do Chủ tịch Y-a-xơ A-ra-phát đứng đầu đã ra đời trong bối cảnh này.
Kim Dung
(Tổng hợp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.