(HNM) - Giá thịt lợn liên tục tăng đang thực sự là một cơn bão trên thị trường thực phẩm. Đích thân Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát phải ra "chỉ dụ": Tạm đóng cửa Cục Chăn nuôi, đi thực tế tìm hiểu vì sao thịt tăng giá.
Vậy Cục Chăn nuôi có trách nhiệm gì và đã thực thi trách nhiệm ấy như thế nào? Trong mấy năm qua số hộ nuôi lợn đã giảm từ 8 triệu xuống còn 3 triệu; số đầu lợn đã giảm 10 triệu. Với hai chỉ số đó cũng đã hiểu được tại sao giá thịt lợn tăng, chưa nói tới những ảnh hưởng do giá thức ăn, con giống, dịch bệnh, những hiện tượng chắc chắn Cục Chăn nuôi phải nắm được từng ngày, ở từng vùng.
Theo cách hiểu thông thường thì cán bộ Cục Chăn nuôi ăn lương để lo chuyện hình thành và phát triển chăn nuôi. Và bởi vì thị trường gia súc, gia cầm do nông dân quyết định, nên đối tượng chính của Cục là làm việc với nông dân. Thị trường đó phụ thuộc vào giống, thức ăn, dịch bệnh và vốn. Những vấn đề đó có ở trong phạm vi trách nhiệm của Cục Chăn nuôi không, hay Cục chỉ lo chỉ đạo chiến lược và phát động phong trào, còn sự thể ra sao nông dân tự lo?
Để trấn an dư luận, trong cuộc họp báo ngày 14-7, Cục trưởng Hoàng Kim Giao khẳng định "mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát" và từ cuối tháng 8-2011 thị trường thịt lợn sẽ lại ổn định. Theo ông Giao, sự việc không đến nỗi nghiêm trọng, tổng đàn lợn giảm chưa đến 4%... Tổng đàn giảm 4% có thể làm tăng giá lên 70 - 100%? Mà tổng đàn là bao nhiêu khi cả nước đã mất 5 triệu hộ nuôi với 10 triệu đầu lợn? Tình trạng thực tế ngành chăn nuôi, thị trường thịt gia súc, gia cầm như thế nào Cục Chăn nuôi có biết chắc không? Như vậy, khẳng định là tới cuối tháng 8 (chỉ còn hơn 30 ngày) giá thịt lợn sẽ bình ổn đáng tin bao nhiêu phần trăm?
Ngày 14-7, phát biểu tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế nông nghiệp hàng đầu của cả nước nhưng phát triển vẫn nhỏ lẻ, chưa bền vững, rủi ro cao một phần do công tác nghiên cứu, quy hoạch, trợ giúp nông dân vẫn chủ yếu trên giấy tờ, còn thực tế nông dân vẫn phải tự lo lấy việc của mình như giống, phân bón, dịch bệnh, kể cả bán nông phẩm sau thu hoạch. Mới đây Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ cho trích 0,5 - 1% giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản vào quỹ nghiên cứu phát triển nông nghiệp...
Những điều đó có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là chúng ta mới có chủ trương, nhưng việc thực hiện đang rất kém; việc nghiên cứu (kể cả giống, phòng trừ dịch bệnh) vừa thiếu kinh phí, vừa không sát thực. Mà đó là trách nhiệm đầu tiên của Bộ NN&PTNT, bộ có số viện nghiên cứu nhiều nhất trong các bộ.
Đó chính là nguyên nhân quyết định thị trường lương thực, thực phẩm của chúng ta tốt hay không, ổn định hay không. Mà thị trường đó bắt đầu từ 2/3 dân số và kết thúc không chỉ ở những thành phố kinh tế lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà còn ở nhiều thủ đô châu Mỹ, châu Âu, châu Á...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.