Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên nhân CPI giảm tốc: Cung đang thừa mà cầu vẫn yếu

Anh Minh| 01/12/2013 05:54

(HNM) - CPI tháng 11-2013 cả nước tăng 0,34% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tính chung, CPI tháng 11 tăng 5,5% so với tháng 12-2012 và các chuyên gia xác nhận CPI đang ở trong ngưỡng

Tháng 11, tình trạng vắng khách dẫn đến doanh số bán hàng của các doanh nghiệp suy giảm. Ảnh: Thanh Hải


Có nhiều nguyên nhân làm CPI tăng thấp. Trước hết, CPI tại hầu hết các địa phương, nhất là ở khu vực đô thị đều tăng ở mức trung bình hoặc thấp tính từ đầu năm đến nay. Trong đó, CPI tại Hà Nội tháng 11 chỉ tăng 0,26%, TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,17% so với tháng trước. Các thành phố lớn luôn có vai trò dẫn dắt thị trường, chiếm tỷ trọng cao và có vai trò quyết định mức tăng CPI nên đã góp phần xác lập CPI cả nước tăng thấp như kết quả nói trên. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của "nguyên nhân" trên là do sức cầu chưa được phục hồi, khiến quan hệ cung - cầu chưa lấy lại được cân bằng. Nói cách khác, cung đang thừa và cầu đang yếu; thể hiện ở thực tế hàng hóa trên thị trường rất phong phú, với giá bán phải chăng nhưng tiêu thụ rất chậm. Thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân không được cải thiện căn bản nên nảy sinh tâm lý tiết kiệm trong chi tiêu, đẩy thị trường vào tình thế "đóng băng". Kết quả khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, khoảng 72% người tiêu dùng lựa chọn quyết định tiết kiệm để đề phòng tình huống xấu, như ốm đau, thất nghiệp bất ngờ, dành tiền để lo việc lớn của gia đình... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất chưa thoát khỏi tình trạng tồn đọng sản phẩm, nhất là những đơn vị thuộc ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, thời trang. Điều này dẫn đến hậu quả là DN bị mất khả năng thu hồi vốn, phải cắt giảm sản xuất và trở thành một vòng luẩn quẩn chưa có đường thoát.

Theo phân tích của các chuyên gia, lạm phát thấp không hẳn là tốt hay xấu mà phải xét trong hoàn cảnh thực tiễn và yêu cầu về mục tiêu phát triển trong từng năm cũng như chính sách, cách điều hành từ tầm vĩ mô. Với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, Chính phủ xác định bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát nên ưu tiên hàng đầu vẫn là khống chế tốc độ tăng chỉ số giá, giữ lạm phát ở mức thấp và hợp lý. Cũng nhờ kiềm chế lạm phát có hiệu quả như thời gian qua đã phần nào hỗ trợ cộng đồng DN có thêm "dư địa" để từng bước hồi phục và đã được chứng minh qua việc chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua từng tháng, càng về cuối năm càng tăng cao hơn. Như vậy, việc ổn định được giá bán các loại sản phẩm, nguyên vật liệu đã giúp DN tiết giảm chi phí đầu vào, chắt chiu để dồn sức phục hồi cũng như từng bước tái đầu tư cho việc thay đổi công nghệ, kể cả xét đến khả năng phát triển sản phẩm mới để tồn tại trên thương trường. Bên cạnh đó, CPI tăng thấp đã trợ giúp đắc lực cho đời sống của đại bộ phận dân chúng trong khi thu nhập thực tế không tăng thêm và có tác động mạnh trên diện rộng trong bối cảnh nền kinh tế chưa ra khỏi suy thoái, việc làm và thu nhập không được cải thiện như mong muốn. Ngược lại, khi CPI tăng thấp có thể gây hệ lụy cho DN trong thời gian tới. Vì các đơn vị sản xuất chỉ nhận được mức lợi nhuận thấp tính trên mỗi đầu sản phẩm trong khi nhu cầu tăng thu nhập đang là vấn đề cấp thiết, bởi phần lớn DN đang trong tình trạng thiếu vốn. Điều này sẽ kéo dài thời gian hồi phục của DN.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận xét, phần lớn trung tâm thương mại, cửa hàng đều trong tình trạng khó khăn, hoạt động trầm lắng mặc dù giá bán ra không tăng hoặc tăng rất ít. Nếu DN chấp nhận bán hàng dưới giá thành hoặc lãi quá thấp thì không thể duy trì hoạt động lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho quản lý, nhân công. Vấn đề là vắng khách dẫn đến doanh số bán hàng suy giảm; từ đó các cơ sở khó thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, lại càng không dám mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện tại là thời điểm rất khó khăn và thực tế đang đòi hỏi thực tài, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo DN bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước.

Còn chưa đầy một tháng nữa là thời điểm khép lại năm kế hoạch 2013. Như vậy, với thực trạng CPI tăng thấp như trên và từ tình hình cụ thể, dự đoán là CPI cả năm nay sẽ khó vượt ngưỡng 6%, thấp hơn nhiều so với dự báo từ đầu năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân CPI giảm tốc: Cung đang thừa mà cầu vẫn yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.