(HNM) -
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ CVĐ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ CVĐ: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Ủy viên TƯ Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo TƯ CVĐ; các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam…
Bước chuyển mạnh từ nhận thức đến việc làm
Được chính thức phát động tại lễ kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2007), 4 năm qua, CVĐ đã đi vào đời sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Nhận thức về các nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như tấm gương đạo đức trong sáng của Người được nâng lên rõ rệt trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Những giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh như “Trung với nước, hiếu với dân”, “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”; “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”... được cả xã hội thừa nhận, có tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong điều kiện suy giảm kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng và được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Tại nhiều địa phương, cơ sở, tiết kiệm trở thành phong trào, có sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị. Tiết kiệm đã thể hiện ngày càng rõ hơn trong việc tự giác giảm, loại bỏ những chi phí không cần thiết, bất hợp lý trong cưới hỏi, tang ma, lễ hội... của từng gia đình, dòng họ. Hành vi tiết kiệm chi tiêu công, từ cái nhỏ nhất như trang giấy, mực in, ghim gài, đến ô tô, vé máy bay, đi công tác nước ngoài... đã thể hiện khá rõ trong các cơ quan đảng, nhà nước, trong nhận thức của lãnh đạo các cấp, thành thói quen của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức.
Tại hội nghị, đã có rất nhiều tấm gương, việc làm thiết thực của các đại biểu tham dự là những minh chứng thuyết phục cho việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai Huỳnh Văn Tới chia sẻ kinh nghiệm: với quan điểm nhất quán từ đầu CVĐ không phải là bổ sung, thêm vào mà là một chủ trương lớn, có ý nghĩa lâu dài nên tỉnh đã đưa ra các tiêu chí thực hiện theo hướng “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Điều quan trọng để thực hiện CVĐ thành công là khơi gợi được tính tự giác trong mỗi tập thể, cá nhân.
Với tiếng Kinh chưa chuẩn xen tiếng Mông, anh Sùng A Phủ, trưởng bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu đã khiến mọi người thực sự bất ngờ: “Học và làm theo Bác, tôi nghĩ mình phải bắt đầu từ việc nhỏ đời thường, trước hết là phải thoát nghèo mới có điều kiện giúp đỡ người khác. Và tôi hiểu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn thì phải biết kế hoạch hóa gia đình”. Chọn được hướng đi đúng, Sùng A Phủ đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; từ số vốn 15 triệu đồng ban đầu, đến nay, gia đình anh đã có trên 100 con dê, 12 con trâu, 10ha rừng thảo quả. Hằng năm, gia đình anh thu được khoảng 130-150 triệu đồng. Thấy việc trồng rừng đem lại thu nhập tốt, bảo đảm đời sống, A Phủ đã đứng ra vận động 124 hộ trong bản cùng trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nhớ lời Bác dạy, khi kinh tế gia đình đã khá giả, A Phủ nhận nuôi 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chăm lo cho các cháu ăn học.
Tay lướt trên bảng chữ nổi
braille, nhỏ nhẹ kể về quá trình phấn đấu không mệt mỏi của một cô bé bị khiếm thị khi mới 10 tuổi, đến nay đã tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, Đào Thu Hương (Hà Nội) đã làm nhiều người trong hội trường rơi lệ. Hương nói, nhớ tới tinh thần tự học và “học đi đôi với hành” của Bác, Hương đã chọn môn ngoại ngữ để làm hành trang cho mình bước vào cuộc sống và mở ra thế giới. Với lòng hăng say học tập và được gia đình, xã hội quan tâm, tạo điều kiện, vượt qua biết bao khó khăn - tưởng chừng tuyệt vọng - Hương đã trở thành thủ khoa của Khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện nay Hương đã là biên dịch viên của tổ chức Samaritan’s Purse Việt Nam. Tấm gương vượt khó vươn lên của Hương đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho nhiều bạn trẻ trong nước và quốc tế học tập.
Có đủ cơ sở, thực tiễn lý luận để tiếp tục đẩy mạnh CVĐ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, việc phát động và triển khai thực hiện CVĐ là một quyết định đúng đắn, cần thiết. Đây là sự tương hợp hài hòa giữa ý Đảng và lòng dân; thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu; nguyện kế thừa, phát huy di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức vô giá mà Người để lại.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục và những kinh nghiệm thiết thực qua 4 năm thực hiện CVĐ. Theo đó, trước hết phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của CVĐ. Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị là yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia. Tổng Bí thư khẳng định: Qua việc tổng kết 4 năm thực hiện CVĐ, chúng ta có đủ cơ sở thực tiễn, lý luận để báo cáo với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xin ý kiến và quyết tâm chính trị của Đại hội XI, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tiếp tục đẩy mạnh CVĐ, đưa hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng
Với những thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện CVĐ, nhân dịp này Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 59 tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 72 tập thể và 1.012 cá nhân.
TP Hà Nội: 2 tập thể và 20 cá nhân được khen thưởng Dự hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện CVĐ, Đoàn Hà Nội có 8 đại biểu, do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn. Bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo TƯ, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kịp thời, sáng tạo phù hợp với đặc thù của Đảng bộ Thủ đô và yêu cầu nhiệm vụ mới. 100% tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ đã đăng ký nội dung, tiêu chí thực hiện CVĐ gắn với thực hiện cải cách hành chính, lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng kỷ luật lao động, tác phong, lối sống. CVĐ cũng đã mang lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước và Thủ đô. Tại hội nghị, Đảng bộ quận Hà Đông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Đảng bộ phường Kim Mã, quận Ba Đình và 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. |
Dư luận xã hội đồng thuận và đánh giá cao cuộc vận động Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo TƯ và Ban Tuyên giáo một số tỉnh, TP cho thấy, qua 4 năm triển khai CVĐ, đã có sự chuyển biến khá rõ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Về tác động của CVĐ đến nhận thức, có 84% người được hỏi cho rằng đã có chuyển biến, trong đó có 19% cho rằng đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; 65% ý kiến cho rằng có chuyển biến nhưng chưa sâu sắc... Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân, mức độ chuyển biến tốt cao nhất là trong nông dân (54,02%), tiếp đến là cán bộ hưu trí (41,18%); học sinh, sinh viên (40%), công nhân (40%)... Về chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có 30,5% người được hỏi cho rằng có chuyển biến tốt và 51,6% cho rằng có chuyển biến. Về chống quan liêu, tham nhũng, có 66,6% người được hỏi cho rằng có chuyển biến, trong đó có 22,8% cho rằng có chuyển biến tốt. Về sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo TƯ cho thấy đã có sự tham gia của tất cả các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội, trong đó có 5 nhóm xã hội được đa số ý kiến (trên 50%) đánh giá là đã tích cực thực hiện CVĐ, gồm cán bộ hưu trí (67%), bộ đội (61%), cán bộ công chức bình thường (56%), cán bộ lãnh đạo quản lý các ngành, các cấp (51%), công an (50%). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.