Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Huy Thiệp - một góc nhìn

Trung Trung Đỉnh| 27/03/2021 07:12

(HNMCT) - Tôi gặp Nguyễn Huy Thiệp ngẫu nhiên hồi anh chưa nổi tiếng ở nhà thi sĩ Trúc Thông vào buổi chiều mưa ẩm, giống y như cái ngày anh vừa từ giã cõi đời này.

Ngôi nhà mặt tiền phố Hồng Phúc của gia đình Trúc Thông đã cũ, rất cũ với hai bà chủ nhà là mẹ và chị gái Trúc Thông đều đã già và chậm chạp. Tôi đến đúng lúc mẹ anh đi lấy nước gạo và đồ ăn thừa từ các nhà hàng xóm gánh về để nuôi lợn. Bà và đôi thùng nước ấy bước liêu xiêu vừa về đến cửa thì tôi thấy Trúc Thông ra đỡ, nhưng bà xua xua tay ra hiệu không cần. Theo sau Trúc Thông là một vị khách cũng chưa hẳn già nhưng cái cách khép nép có vẻ rất kiên quyết cũ, kiên quyết khiêm nhu khiến tôi hơi bị khó chịu, ấy là Nguyễn Huy Thiệp.

Hai tay này với ấm trà và bao thuốc lá cuốn ẩm xì cùng bộ bàn ghế với hai ghế cổ khá vững chãi đang đối ẩm, bàn nhau chắc chắn là thơ, tôi nghĩ. Trúc Thông giới thiệu tôi với Thiệp và Thiệp với tôi rồi ngay lập tức họ vào tiếp câu chuyện đang sôi động có vẻ rất phức tạp về thơ lục bát hay và thơ lục bát dở. Trúc Thông nói, đã thơ thì trước hết phải hay, bất kể thơ tự do hay không, lục bát hay gi gỉ gì gi cũng tùy. Nguyễn Huy Thiệp bảo thơ lục bát là cái bẫy, nó đánh sập cả những tay thần thơ thời tiền chiến. Khi nào ông ta động vào nó mà lụy đề tài thì nhất định chả ra gì. Bây giờ cứ có ngày kỷ niệm này nọ là “các bố” tương ngay lục bát cho "nhanh, nhiều, tốt, rẻ"! Đã thơ mà làm theo yêu cầu thì tất nhiên là dở ẹc. "Thằng" lục bát là dễ nhận ra hay dở nhất...

Sau cuộc gặp ở nhà Trúc Thông, Nguyễn Huy Thiệp hay rủ tôi đến quán cà phê dưới tượng đài bên Hồ Gươm gần cơ quan văn hóa của mấy cô bạn xinh đẹp và rất lịch lãm, rất Hà Nội. Tôi được làm thân với họa sĩ Hồng Hưng, bạn chí cốt thời ấy của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thấy hai ông gần như ngày nào cũng phải ngồi với nhau, rồi sau đó hay đi đâu đó, có vẻ bí hiểm. Một hôm tôi hỏi cô Vân, cô Ngân, hai vị chủ quán đều rất thân với hai nghệ sĩ. Hóa ra hai “bố” thường rủ nhau đến các quán cà phê hay những chỗ có tụ điểm đông người nào đó vẽ chân dung cho khách kiếm tiền vặt. Hình như việc vẽ này cũng cuốn hút rất nhiều công sức và tài năng của Thiệp. Một lần Hồng Hưng vui tay ngồi vẽ chân dung tôi, vẽ xong rồi bỏ đấy, quên luôn, mãi tới đầu năm rồi anh hỏi và tôi gửi lại anh bản copy qua email. 

Trong các câu chuyện về viết về vẽ, tôi thấy đôi bạn này rất đáng trọng vì cái sự nể trọng tài năng của nhau. Có lần anh Hồng Hưng nói với tôi, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nhiều cái được viết do ý tưởng của mình. Nói thế không phải anh kể công, mà là cái sự gắn kết ý tưởng của hai người khiến tôi rất phục. Về hội họa, tất nhiên Nguyễn Huy Thiệp cũng rất chịu và học ở bạn mình rất nhiều. Nguyễn Huy Thiệp ca ngợi tài năng của Nguyễn Hồng Hưng rất khéo, không phải tâng bốc nhau mà chỉ qua câu chuyện tôi hiểu. Thiệp bảo, Hồng Hưng là tay thông minh hiếm có. Tài năng thì khỏi bàn.

Rồi sau đó hai ông bàn nhau làm một công trình: Dựng tượng Phật ngay tại vườn nhà Thiệp. Tôi biết Thiệp rất hay nói chuyện say sưa về lịch sử và tôn giáo. Nhất là Thiệp quan tâm rất kỹ đến các giới nghiên cứu tâm linh. Anh bỏ nhiều thời gian vào xem, nghe, dự các cuộc lên đồng ở gần, ở xa... và rất tâm huyết.

Một số tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Lâu lâu ít gặp nhau vì mỗi người một việc, tôi thì bươn chải giang hồ vặt. Thiệp chú tâm vào viết vào vẽ và bao nhiêu chuyện đời đều lên bổng xuống trầm cả.

Thế rồi, có một lần cách đây dăm năm, lúc mà cánh tôi đều cũng đã cao tuổi, không muốn nói là đã già. Anh bạn họa sĩ phố cổ nổi tiếng Lê Thiết Cương nhân một cái dịp “thửa” được chai Chivas 35, hôm nay mời mấy ông anh “xử”. Khách mời hôm đó chỉ vài người, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp và tôi. Trong bốn thực khách, người đáng yêu nhất là Thiệp, vì Thiệp không là người hay rượu. Không hay rượu nhưng biết ý nghĩa của các cuộc rượu. Tôi nói, hôm nay anh em mình được Cương cho gặp em “hoa hậu Chivas 35”. Bữa tiệc rất lịch sự, "rất chi là phố cổ Hà Nội”, và phải nói thêm là rất Lê Thiết Cương tối giản.

Thiệp là tay sành đời, sành văn, sành sử và sành... chơi. Lối sống, lối chơi của Thiệp rất ma mị, không khoa trương, không giấu giếm. Quý bạn, phục bạn cũng có cái cách thể hiện rất riêng, chỉ có Thiệp mới có.

Hôm nay Thiệp đã tạ thế, tôi viết đôi dòng như là nén tâm nhang kính viếng bạn. Cầu chúc bạn an lành nơi cõi Phật!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Huy Thiệp - một góc nhìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.