(HNM) - Giành tới 3 HCV SEA Games liên tiếp nhưng cách đây vài tháng, Nguyễn Hữu Việt không còn có tên trong đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 26. Nhưng với việc giành cả 3 HCV tại Giải vô địch quốc gia 2011 sau đó, Hữu Việt đã được các HLV gọi trở lại đội tuyển.
Kình ngư Nguyễn Hữu Việt. |
Từ khi trở lại SEA Games vào năm 1989, bơi lội Việt Nam thực sự lép vế trước các quốc gia trong khu vực. Những kình ngư chỉ mạnh thật sự tại các giải đấu trên "sân nhà". So với một môn thể thao Olympic khác là điền kinh thì bơi lội Việt Nam cũng "lép" hơn hẳn. Năm 1995, Vũ Bích Hường đã mang về tấm HCV SEA Games đầu tiên cho điền kinh Việt Nam thì lúc đó, các kình ngư nước nhà chưa chạm tới tấm HCB SEA Games. Phải đến năm 2001 thì bơi lội Việt Nam mới có tấm HCB SEA Games của Trần Xuân Hiền (100m ếch). Lúc đó, Nguyễn Hữu Việt còn đang tập trung ở đội tuyển trẻ quốc gia.
Nhưng trong 4 năm sau đó, mọi thứ thay đổi. Trần Xuân Hiền không còn giữ được phong độ, để mất vị trí tại đội tuyển quốc gia vào tay Nguyễn Hữu Việt. Lúc ấy, thành tích của Việt đang đi lên trong khi những tay bơi hàng đầu khu vực đã giải nghệ. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đều có, nên Nguyễn Hữu Việt đã lên ngôi tại SEA Games 23 ở Philippines. Đó là tấm HCV SEA Games đầu tiên kể từ năm 1959, năm mà kình ngư Phan Kế Nhơn đăng quang ở SEA Games.
Hai kỳ SEA Games 24 và 25, Nguyễn Hữu Việt đều giúp đội tuyển bơi Việt Nam giành HCV 100m ếch. Tại SEA Games 25 ở Lào, Nguyễn Hữu Việt còn phá kỷ lục SEA Games với thành tích 1'01''60. Nguyễn Hữu Việt cũng là kình ngư Việt Nam duy nhất đoạt HCV SEA Games kể từ năm 1989.
Đầu năm 2011, hàng loạt chuyện không hay đến với kình ngư đất Cảng này. Sau đó, Nguyễn Hữu Việt đã xin rút khỏi đội tuyển quốc gia để chữa trị căn bệnh hen suyễn. Nhưng có lẽ đấy chỉ là một lý do bởi nếu được quan tâm hơn ở đội tuyển quốc gia, có lẽ Nguyễn Hữu Việt không xin rút khỏi đội tuyển. Mà rút khỏi đội tuyển cũng đồng nghĩa với việc đóng sập cơ hội tham dự SEA Games 26. Lúc ấy, người ta đã tính tới khả năng anh không tham dự SEA Games và bao nhiêu cơ hội giành HCV của bơi lội Việt Nam đều được đặt cả vào tuyển thủ trẻ Hoàng Quý Phước.
Hóa ra đó lại là quyết định đúng đắn. Về Hải Phòng trong tình trạng chấn thương lưng, phong độ sa sút nhưng Hữu Việt vẫn được bộ môn bơi lội Hải Phòng đặt niềm tin. Những HLV ở đây hiểu rất rõ phải làm thế nào để lấy lại phong độ cho Hữu Việt. Lực lượng VĐV bơi lội Hải Phòng đang lúc giao thời nên chỉ còn Việt có khả năng tranh chấp HCV giải toàn quốc. Vậy là bao nhiêu kinh phí của bộ môn được dồn cho kình ngư này. Nhờ hết nguồn này đến nguồn kia, cuối cùng thông qua bộ môn bơi lội Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Việt có chuyến tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) với chuyên gia Hoàng Quốc Huy. Thời gian tập huấn thực sự quý giá bởi nhờ đó, Nguyễn Hữu Việt tìm lại được phần nào phong độ.
Dù nói rằng "thi tại giải vô địch quốc gia để biết phong độ đến đâu" nhưng Nguyễn Hữu Việt thừa hiểu trọng trách của mình với bơi lội Hải Phòng. Không cần dùng đồ bơi công nghệ cao như nhiều VĐV khác, Nguyễn Hữu Việt mặc đồ bơi thường xuống nước và vẫn giành ba HCV bơi ếch.
Những thông số kỹ thuật của Nguyễn Hữu Việt tại giải đã buộc các HLV đội tuyển quốc gia, bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) phải gọi anh trở lại đội tuyển quốc gia. Mặc nhiên, Hữu Việt vẫn được chấm vào nhóm có khả năng giành HCV. Một tay bơi từng đăng quang 3 lần liên tiếp tại SEA Games đang lấy lại phong độ đỉnh cao cũng đáng được kỳ vọng.
Hiện tại Nguyễn Hữu Việt đang cùng đồng đội tập huấn tại Trung Quốc và sẽ sang thẳng Indonesia dự SEA Games 26. Nếu giành HCV tại SEA Games 26, anh sẽ lần thứ tư liên tiếp đoạt chức vô địch SEA Games. Đó sẽ là kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong làng bơi lội Việt Nam và không biết đến lúc nào mới có người, vượt qua kỷ lục ấy. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.