Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Bá Đạm - Nhân chứng sống của đất văn vật

Yên Nga| 30/08/2018 06:26

(HNM) - Ngày 29-8, lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Bá Đạm, người được coi là nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, được trao Giải thưởng Lớn.

Các tác giả được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái.


Năm nay cũng như 10 năm qua, Giải thưởng Bùi Xuân Phái vẫn luôn ăm ắp những nhân vật, tác giả, ý tưởng, việc làm, công trình có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, thấm đẫm tình yêu Thủ đô. 12 hồ sơ được đề cử chính thức (tăng 2 đề cử so với trước) được lựa chọn từ hơn 40 hồ sơ thỏa mãn tiêu chí chung của giải thưởng và có 6 hồ sơ được trao giải (tăng 2 giải).

Theo Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa Lê Xuân Thành, mỗi năm, dòng chảy tình yêu với Hà Nội dường như càng mạnh mẽ hơn, thêm nhiều người góp sức, giúp cho giải thưởng càng phát triển. Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chia sẻ: “Thật xúc động và vui mừng khi nhận thấy những người con của Hà Nội hay những người dân đến từ mọi miền của Tổ quốc và cả những công dân nước ngoài đã nhiệt tình cống hiến cho Hà Nội và dành cho Thủ đô những tình cảm trân quý vô bờ!”.

Giải thưởng Lớn năm nay được trao cho ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng cả đời cho văn hóa và lối sống Hà Nội. Người đàn ông sinh ra ở Giáp Nhất (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) ấy, đơn giản chỉ là một giáo viên.

Ông là bạn tri kỷ của danh họa Bùi Xuân Phái, là “người mẫu” mà họa sĩ này ưng nhất, với 242 ký họa chân dung. Các danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và nhà văn Nguyễn Tuân đều là bạn tâm giao của ông. Điều quý giá ở ông là một tâm hồn cực kỳ Hà Nội - thâm trầm, sâu sắc, tao nhã và tận tụy với công việc.

Ông đam mê sưu tập cổ vật, được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”, đã in 2 cuốn sách nghiên cứu về Hà Nội: “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX”. Nay ở tuổi 96, mắt mờ, chân chậm, nhưng hằng ngày ông vẫn đọc, vẫn viết.

Bản thảo tập “Hà Nội xưa kia” của ông đã gần hoàn thiện để đến tay bạn đọc, còn những câu chuyện kể về tình bạn với bộ tứ hội họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái cũng đang dự định in…

Khi bài hát “Em ơi Hà Nội phố” vang lên trong lễ trao giải, mọi người thêm chắc chắn, tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 được nhận giải Tác phẩm “Vì tình yêu Hà Nội”. Phan Vũ là một “tâm hồn Hà Nội” mà rất nhiều người yêu mến qua những câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. “Em ơi Hà Nội phố” không chỉ có 21 câu thơ trong bài hát, mà là một trường ca 443 câu, Phan Vũ viết năm 1972, như những bức họa được vẽ bằng ký ức đẹp đẽ về Hà Nội.

Giải Tác phẩm đã tôn vinh bộ phim “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) do cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier thực hiện. Bộ phim đưa khán giả bước vào hành trình khám phá những “bí mật nhỏ về Hà Nội” với nhiều góc nhìn độc đáo. Jean Noel Poirier cũng tiết lộ dự định làm bộ phim thứ hai về Hà Nội.

Giải Việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” được trao cho 1 cá nhân và 1 tập thể. Làm đẹp Hà Nội bằng tranh không mới, nhưng “Phố bích họa Phùng Hưng” do UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, đã tạo sự khác biệt và xứng đáng được vinh danh. 19 bức bích họa hình thành quanh những vòm cầu đường sắt lịch sử với sự công phu, nghệ thuật đã trở thành nơi thu hút người dân và du khách đến dạo chơi, chụp ảnh.

Cùng với đó, ông Quách Văn Địch được trao giải Việc làm vì hành động hiến tặng 2 mỏ neo cổ cho Bảo tàng Hà Nội. Cặp mỏ neo được ông giữ 20 năm, bỏ ra cả gia tài để mua về này giá trị ở chỗ, được vớt lên từ lòng sông Hồng, rất có thể đó là dấu tích của những con thuyền đã từng cập bến Thăng Long thời xa xưa…

Đề xuất của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học về bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối - nơi các cư dân đầu tiên của Hà Nội cư trú từ hàng nghìn năm trước, được trao giải Ý tưởng. Theo ông Nguyễn Văn Huy, ý tưởng này góp phần gìn giữ chiều sâu văn hóa lịch sử Hà Nội, để minh chứng vẻ đẹp vô cùng sinh động, phong phú của Thủ đô. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Bá Đạm - Nhân chứng sống của đất văn vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.