(HNM) - Chính lương tri và sự nhạy cảm thời cuộc đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga, mở ra bước ngoặt tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cho đồng bào ta.
Trong hành trang tư tưởng của Nguyễn Tất Thành (khi khởi hành từ Bến Nhà rồng lấy tên là Văn Ba) chưa có dự kiến đến nước Nga. Có lẽ, địa chỉ mà Người lựa chọn đầu tiên là nước Pháp, vì nơi đó đã sinh ra những khái niệm vô cùng mới lạ và đầy sức cuốn hút với những con người có khát vọng cứu giúp đồng bào mình và giải phóng nhân loại cần lao. “Tự do, bình đẳng, bác ái”, những khái niệm chính trị như vậy được nêu trong Tuyên ngôn ngày 14-7-1789 của nước Pháp, nhưng xuất phát điểm của nó lại từ cuộc Cách mạng dân chủ tư sản của Mỹ, phát đi từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, từ đó tác động sâu sắc đến Cách mạng tư sản của Pháp, mở ra một làn sóng dân chủ tư sản, được quần chúng lao động hưởng ứng vùng lên phá tan thành lũy phong kiến vốn thống trị, nô dịch suốt nhiều thế kỷ.
Trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên có đề cập: Vào khoảng năm 13 tuổi, khi mà ngày ngày chứng kiến biết bao cảnh thương tâm vì ách đô hộ, thống trị của thực dân, phong kiến đối với đồng bào mình, Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành đã nghe các bậc tiền bối nói tới những từ rất lạ như, “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Dù chưa đủ kiến thức và vốn sống chính trị để giải nghĩa những ngôn từ như triết lý giống như tiếng sấm “từ trên trời”, nhưng Nguyễn Tất Thành đã âm thầm nhen nhóm ý tưởng lớn lên sẽ sang các nước phương Tây để xem người ta làm thế nào mà có được những giá trị ấy, rồi trở về giúp đồng bào mình. Do trực tiếp tham gia vào phong trào Duy Tân, bị mật thám Pháp lùng bắt, nên ý tưởng ấy càng lớn lên khi mà Nguyễn Tất Thành đã đủ trưởng thành (sự trưởng thành vượt trước tuổi và khác thường với những bạn cùng thời) để hiểu rằng, con đường cứu nước, cứu dân chỉ có thể thành công nhờ vào sự khảo sát thế giới, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm chân lý thời đại từ thực tiễn cách mạng thế giới.
Như vậy, từ xuất phát điểm, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức được (tuy còn sơ khai) về tiền đề tư tưởng chính trị có thể khai thông sự bế tắc mà lịch sử Việt Nam gặp phải ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đó là: Phải tìm con đường cứu nước khác với các bậc tiền bối; và phải tự mình khảo sát thực tiễn lịch sử đương đại. Có lẽ nhờ xuất phát điểm ấy mà vô hình trung Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu phép giải bài toán giải phóng dân tộc bằng việc đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy cách mạng thế giới. Nên sau này, cho dù không có mặt ở nước Nga trong những ngày lịch sử Tháng Mười năm 1917, Nguyễn Ái Quốc vẫn có thể nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, thôi thúc Người (từ Anh) trở lại nước Pháp để tham gia sôi nổi vào các hoạt động dân chủ xã hội mang ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và theo ngọn cờ của Quốc tế Cộng sản do V.I.Lênin khởi xướng. Việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, đứng hẳn về hàng ngũ những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc tiếp cận được bản Sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Giữa đêm khuya, trong căn phòng nhỏ hẹp ở một hẻm phố của Paris, Nguyễn Ái Quốc đã reo lên như nói trước đồng bào mình: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Thứ cần thiết, con đường giải phóng cho đồng bào mình Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội được chính là ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga. Vì từ đúc kết kinh nghiệm lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin đã chỉ rõ: Các dân tộc bị áp bức muốn tự giải phóng mình thì phải có chính đảng vô sản lãnh đạo, phải tập hợp được sức mạnh của quần chúng để tiến hành cuộc cách mạng vô sản, lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc, lập ra Nhà nước dân chủ công nông. Như vậy, việc bắt gặp Luận cương của Lênin là điểm kết thúc cao nhất sau tất cả những gì mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc quan sát được ở quê hương, Tổ quốc mình; được học hỏi ở những nơi được coi là chiếc nôi của sự phát kiến quyền dân chủ, quyền con người (như Pháp, Mỹ, Anh); được khảo cứu từ những công trình đỉnh cao thời đại về tư tưởng chính trị (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản do C.Mác khởi thảo, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Pháp, cùng nhiều tác phẩm đồ sộ tư tưởng khai sáng); để từ đó Nguyễn Ái Quốc khẳng định chắc chắn rằng: “... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chủ nghĩa Lênin chính là sự phát triển chủ nghĩa Mác. Ôn lại điều này, chúng ta càng thêm tôn kính, biết ơn lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã sớm trở thành một nhịp cầu tư tưởng tiên tiến thời đại để đưa cách mạng Việt Nam đi lên theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra làm rung chuyển thế giới và chỉ trong 10 ngày rực lửa đã giành thắng lợi.
2. Chính sự kiên định với con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong gần 9 thập kỷ qua.
Sau khi tiếp cận và thấu hiểu được những điều cốt lõi có trong ý nghĩa sâu xa của Cách mạng Tháng Mười Nga, được Lênin thể hiện trong Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tâm sự với người bạn, người đồng chí của mình trong phong trào cộng sản quốc tế, rằng: Bây giờ mọi điều đã rõ, tôi phải trở về giúp đồng bào mình làm cách mạng, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Con đường “trở về” Tổ quốc mình không hề đơn giản, nó phải trải qua nhiều chương, hồi trong tập sử thi lược tả cuộc hành trình mà Nguyễn Ái Quốc long đong suốt 30 năm. Từ năm 1911 đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ thắng lợi, Nguyễn Ái Quốc làm cuộc khảo sát thế giới, mô tả chân dung của những kẻ nhân danh Chúa để “khai hóa văn minh”. Sản phẩm tư tưởng mà Người đúc kết được là: Dù ở đâu, dù da trắng, da đen hay da vàng thì thế giới cũng chia làm hai loại người; kẻ áp bức thống trị thì đâu cũng tàn ác như nhau; người bị áp bức thì đâu cũng đau khổ như nhau. Trên cơ sở ấy, tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết quốc tế đã được nâng cao trên nền tảng truyền thống yêu nước thương nòi, “thương người như thể thương thân”.
Từ sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga tạo bước ngoặt trong tâm thế thời đại cho nhân loại cần lao, Nguyễn Ái Quốc dấn thân một cách sôi nổi, quyết đoán vào phong trào cộng sản quốc tế (Người hoạt động ở Pháp, qua Đức và một số nước để tới Nga vào những ngày đông giá buốt và đau thương bởi Lênin qua đời). Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đội băng giá đến viếng Lênin (đến mức bị sưng phổi nặng) đã minh chứng cho sự tôn kính, thủy chung của Nguyễn Ái Quốc đối với Cách mạng Tháng Mười Nga và lãnh tụ Lênin lớn biết nhường nào. Những diễn đàn đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tham gia tại Liên Xô là diễn đàn bàn về vấn đề nông dân và thanh niên ở các nước thuộc địa.
Tiếp đó, Người trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản, làm việc ở Bộ Phương Đông, theo học ở Đại học Phương Đông. Có lẽ chặng đường trở về của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa quyết định nhất đối với Cách mạng Việt Nam là những hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc). Với vai trò là người được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ chuẩn bị những tiền đề cho sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện cho những thành viên ưu tú từ phong trào yêu nước của Việt Nam, xuất bản tập cẩm nang lý luận Mác - Lênin với tên gọi “Đường Kách mệnh” (đến nay vừa tròn 90 năm). Trong cuốn cẩm nang đó, Nguyễn Ái Quốc đã nói về Cách mạng Tháng Mười Nga với những luận điểm duy nhất đúng, đến nay, qua 90 năm ngẫm càng thấy sự đi trước thời đại trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam nói riêng, cho nhân loại nói chung.
Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một phần máu thịt, một sự sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam. Sơ thảo Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (ngày 3 đến 7-2-1930) là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin được Việt Nam hóa trong tư tưởng cách mạng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc là người nắm ngọn cờ lãnh đạo không ai có thể thay thế được khi đó và về sau. Những giá trị cốt lõi của Sơ thảo Cương lĩnh năm 1930 do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã được Đảng ta lĩnh hội, cụ thể hóa trong Cương lĩnh tháng 10-1930, Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam để Lênin lĩnh hội, phát triển trong điều kiện cụ thể của nước Nga, trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc bộc lộ những tính chất phản cách mạng trên phạm vi thế giới, mà nước Nga là khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc thời đó.
Ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, tinh thần của cuộc cách mạng vĩ đại ấy đã được Đảng ta vận dụng thực hiện thành công trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Trong Di chúc thiêng liêng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân tộc ta có quyền tự hào vì đã đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ. Phải chăng sự tự hào ấy có một phần tất yếu từ sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra.
3. Ôn lại những dấu son lịch sử liên quan đến con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc theo ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga để chắt chiu những điều suy ngẫm cho hiện tại và tương lai.
Đã 100 năm trôi qua, biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử, nhất là với Liên Xô (trước đây) cũng như với nước Nga ngày nay, nói rộng hơn là với cả những con người, dân tộc từng một thời gắn bó máu thịt với quê hương của Lênin vĩ đại, trong đó không thể không nói đến Việt Nam. Tình cảm quốc tế vô sản cao cả và những giá trị văn hóa đẹp như “rừng bạch dương” giữa trời thu mà dân tộc Việt Nam có được với Liên Xô, với những người dân Nga quý mến được khởi nguồn từ một con người mà lịch sử mãi nhắc đến với tư cách là một nhân vật góp phần “làm nên thế kỷ XX” - con người ấy đã được khắc họa chân dung trên bức tường trang trọng ở thủ đô Paris: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là chiếc lăng kính lịch sử giúp cho dân tộc Việt Nam xích lại gần dân tộc Nga, đưa lịch sử hiện đại của Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của lịch sử thế giới.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có không ít nơi người ta vội vàng phá bỏ những dấu vết mang dấu ấn của Liên Xô, bất kể đó là những dấu ấn có liên quan đến sự hy sinh vì nền độc lập cho nhiều nước ở Châu Âu thoát khỏi họa phát xít. Chỉ vì lợi ích về những gói viện trợ kinh tế lớn, sự chu cấp vũ khí và sự can thiệp quân sự của khối NATO, mà người ta quên đi sự ngã xuống vì hòa bình của Hồng quân Liên Xô trên khắp chiến trường Châu Âu. Chỉ vì sự xung đột hệ tư tưởng mà người ta hạ bệ Tượng đài Lênin và các chiến sĩ Xô viết. Sau sự tan rã của Liên Xô, có một cuộc thăm dò dư luận, kết quả thu được có gần 70% người được hỏi ý kiến vẫn hoài tiếc về nhiều giá trị xã hội tốt đẹp mà chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô phấn đấu mang lại cho người lao động.
Như vậy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là sự thất bại của mô hình xơ cứng, áp đặt, thiếu tính sáng tạo trong chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giờ đây, có không ít nhà nghiên cứu, nhà chính trị cũng đã phải thốt lên rằng, những sai lầm từ cuộc cải tổ ở Liên Xô trước đây hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu như Đảng Cộng sản Liên Xô không chủ quan, không đánh rơi mất ngọn cờ lãnh đạo. Trong “cơn bĩ cực” trước tác động sâu sắc có tính thời đại bởi sự sụp đổ của Liên Xô, có không ít kẻ hoài nghi, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Ở Việt Nam cũng có không ít kẻ lớn tiếng đòi xét lại lịch sử, hạ bệ uy tín và phủ nhận nền tảng lý luận cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã lĩnh hội, vận dụng cho cách mạng Việt Nam. Mặc dù vậy, Tượng đài Lênin vẫn là nơi nhận được sự tôn kính của những người cộng sản và nhân dân Việt Nam.
Với những nhận thức như trên, chúng ta luôn tin tưởng rằng, con đường cách mạng của dân tộc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn từ 100 năm trước, được Đảng ta kế tục trung thành vẫn luôn là ánh sáng soi rọi để Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dù rằng, đâu đó vẫn còn nhiều bóng đen cường quyền che phủ; đâu đó vẫn có không ít những kẻ xuyên tạc, bôi nhọ giá trị lịch sử bất diệt của Cách mạng Tháng Mười Nga. Những bài học đau xót từ sự sụp đổ của Liên Xô cũng như sự thất bại bị dìm trong biển máu của Công xã Pari trước đó... sẽ không bao giờ cản được xu thế thời đại hướng tới đòi lại quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên hành tinh này.
Việt Nam hoàn toàn có quyền vinh dự và tự hào vì đã từng thể hiện rõ tinh thần tiên phong, anh dũng trong dòng chảy tranh đấu vì lợi quyền chính đáng của con người, vì sự tiến bộ chung của nhân loại. Có được điều đó, trước hết là vì dân tộc Việt Nam có được một lãnh tụ vĩ đại, một Đảng vĩ đại ra đời, lãnh đạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo ánh sáng lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt.
PGS.TS Trần Viết Lưu
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.