(HNM) - Trong quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội, cầu Nhật Tân có vai trò rất quan trọng. Dự án cầu cùng với dự án đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ giúp giảm đáng kể quãng đường từ sân bay Nội Bài về thành phố, hạn chế ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Bắc Hà Nội.
Trên công trường thi công trụ tháp cầu Nhật Tân trên sông Hồng. Ảnh: Đức Thuật |
Cây cầu đẹp, hiện đại
Cầu Nhật Tân nằm trên đường Vành đai 2 của thành phố Hà Nội, bắt đầu tại khu vực Phú Thượng (Tây Hồ), chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng, cắt quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc, vượt qua sông Thiếp và kết thúc tại nút giao với đường Nam Hồng (Đông Anh). Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những cây cầu có tính thẩm mỹ rất cao trên sông Hồng. Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) được giao làm đại diện chủ đầu tư dự án. Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn được UBND thành phố giao đại diện chủ đầu tư phần GPMB. Toàn bộ dự án được chia thành 3 gói thầu gồm: Gói số 1 xây dựng cầu chính vượt sông, cầu dẫn phía Bắc. Gói số 2 xây dựng đường dẫn, cầu dẫn phía Nam. Gói số 3 xây dựng đường dẫn phía Bắc. Trong ba gói thầu, gói số 3, do nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đảm nhận được xây dựng đầu tiên (7-3-2009). Các nhà thầu đã tập kết máy móc, nhân lực, lắp đặt thiết bị và thi công được một số hạng mục.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (nhà thầu phụ cho Tokyu) Phạm Quang Vinh cho biết, đơn vị đã khoan được 84/152 cọc thuộc cầu vượt Vĩnh Ngọc, hoàn thành hệ thống hố ga… Không kém phần sôi động, tại bãi giữa sông Hồng, Liên danh Tập đoàn IHI và Công ty Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đã xây dựng được cầu cảng, tập kết vật liệu, thiết bị và đang tổ chức thi công trụ 14, 15 giữa sông. Cách thức tổ chức lao động cũng như hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại của người Nhật khiến những người chứng kiến có cảm giác rất yên tâm về tiến độ. Theo Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85 Nguyễn Trung Sỹ cho biết, cầu Nhật Tân là cây cầu thứ 2 trên sông Hồng (sau cầu Thanh Trì) sử dụng hệ thống móng vòng vây cọc ống thép hiện đại. Đại diện liên danh nhà thầu cam kết, sẽ hoàn thành cầu chính đúng tiến độ (sau 3 năm thi công kể từ ngày 1-10-2009).
Và mối lo GPMB
GPMB luôn là khó khăn lớn trong việc thực hiện các dự án giao thông. Cầu Nhật Tân cũng không phải ngoại lệ và khiến chủ đầu tư, các nhà thầu hết sức lo lắng. Những tưởng, phần thi công ở bãi, giữa sông sẽ thuận lợi, nhưng tại gói thầu số 1, hiện nhà thầu mới chỉ tập trung thi công tại phạm vi đất bãi bồi và trên mặt sông. Phần bãi sông phía Bắc đã bàn giao (7ha đất trưng dụng và thu hồi vĩnh viễn) chưa thể bố trí máy móc, thiết bị thi công do không có đường vào. Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn Đặng Vũ Nhật Thăng (thực hiện nhiệm vụ GPMB) cho biết, đơn vị đang tổ chức chi trả bồi thường cho 97 hộ thuộc thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc đang canh tác tại khu vực. Thời gian tới, nếu các hộ không hợp tác sẽ tổ chức cưỡng chế. Gói thầu số 2 cũng đang mắc mặt bằng. Theo Ban Quản lý dự án 85, diện tích thu hồi phục vụ thi công gói thầu số 3 chủ yếu là đất nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Khu vực nút giao Vĩnh Ngọc đã có mặt bằng, nhưng chưa thể thi công tại những vị trí có đường điện cao thế 110kV. Từ nút Vĩnh Ngọc về đến cuối tuyến cũng có mặt bằng nhưng dạng "xôi đỗ" không thể thi công. Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn cho biết, công tác kiểm đếm đo đạc tại 3 xã Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Vân Nội đã hoàn thành và sẽ đẩy nhanh các bước tiếp theo.
Khó khăn lớn nhất của dự án cầu Nhật Tân hiện nay nằm tại gói số 2, thuộc địa phận quận Tây Hồ. Theo UBND quận, khoảng 330 hộ sử dụng đất ở sẽ bị thu hồi, nhưng nhiều hộ không hợp tác cho cơ quan chức năng vào đo đạc hiện trạng. Vướng mắc về GPMB khiến các nhà thầu e ngại, không tham gia đấu thầu gói số 2. Ban Quản lý dự án 85 cho biết, dự án cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên phải chấp nhận một số điều khoản quy định của hiệp định cho vay, trong đó có điều khoản nhà thầu phải đến từ Nhật Bản. Ban đã 2 lần mời thầu và 3 lần gia hạn mời thầu nhưng các công ty Nhật Bản vẫn không tham gia với lý do e ngại công tác GPMB không bảo đảm tiến độ cam kết. Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ Kế hoạch Đầu tư làm công hàm trao đổi với phía Nhật Bản, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh điều khoản cho vay. Theo đó cho nhà thầu Việt Nam đứng đầu liên danh hoặc nhà thầu độc lập. Nhưng đến nay vẫn chưa thể tổ chức đấu thầu gói này. Để tháo gỡ, UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc công tác GPMB phục vụ dự án. Trong cuộc họp mới đây với UBND quận Tây Hồ và các cơ quan liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu công tác GPMB cầu Nhật Tân phải hoàn thành trong tháng 6.
Theo dự kiến, gói thầu số 3 sẽ hoàn thành sau 34 tháng thi công, gói thầu số 1 sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công. Như vậy, đến tháng 10-2012, phần cầu chính cầu Nhật Tân sẽ hoàn thành. Khả năng phần cầu chính sẽ hoàn thành đúng tiến độ là rất cao. Trong khi đó, tại hai gói cầu dẫn, đường dẫn hai đầu cầu còn nhiều vướng mắc. Mối lo xong cầu mà không có đường lên cầu, như đã từng xảy ra đối với các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, xem ra không phải không có cơ sở nếu không có sự nỗ lực quyết tâm cao của chủ đầu tư cũng như chính quyền các địa phương.
- Dự án cầu Nhật Tân dài hơn 8,9km, trong đó phần cầu dài hơn 3,7km, rộng 33,2m; cầu chính vượt sông dài 1,5km được thiết kế dây văng 2 mặt phẳng dây liên tục 5 trụ tháp; phần đường hai đầu cầu dài gần 5,2m. - Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 13,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.