(HNMCT) - Mới đây, xuất hiện 3 ca nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm pa tê chay tại Bình Dương. Sự việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo: Sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp, hút chân không nếu không đảm bảo quy cách có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, sinh độc tố, và có thể gây tử vong đối với người sử dụng.
Nhiều trường hợp ngộ độc nặng
Ba ca nghi ngờ ngộ độc Botulinum tại tỉnh Bình Dương vào ngày 25-3 vừa qua đều liên quan đến việc sử dụng sản phẩm pate chay, trong đó có 1 bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp ngộ độc pate chay. Trước đó, vào tháng 9-2020 cũng có nhiều trường hợp ngộ độc pa tê chay, trong đó có một cụ ông 70 tuổi đã tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: Thời gian trước, các ca ngộ độc Botulinum rất hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút chân không đựng thực phẩm, kèm theo đó là phương pháp bảo quản thực phẩm không đúng, sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.
Có thể thấy, trước đây sản phẩm hút chân không thường chỉ được bày bán trong siêu thị nhưng hiện nay người tiêu dùng có thể tự tay thực hiện hút chân không cho các sản phẩm mà mình muốn bảo quản. Các loại túi hút chân không cũng ngày càng đơn giản, tiện lợi, giá thành rẻ, khiến nhiều người dân lạm dụng cách bảo quản thực phẩm này.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo: Thời gian gần đây xuất hiện các ca ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình, liên quan đến thực phẩm tự chế biến và cách thức bảo quản không đúng cách. Nhiều vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng, như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương; hay vụ ngộ độc ở Kon Tum do người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp rồi bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này có diễn biến nặng bởi người dùng nhiễm độc tố Botulinum - độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Tránh ngộ độc Botulinum
Độc tố của Clostridium Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Botulinum chịu được men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thời gian ủ bệnh từ 8 tới 10 giờ, có trường hợp chỉ 4 giờ với các biểu hiện như nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón; giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim...
Theo chuyên gia, thực phẩm đóng hộp không được xử lý tốt thì sẽ tồn tại vi khuẩn yếm khí Clostridium Botulinum gây ngộ độc nghiêm trọng khi ăn phải. Bên cạnh đó, thực phẩm đóng hộp cũng có chứa thêm muối và đường, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật như béo phì, bệnh tim mạch hay tiểu đường type 2.
Để phòng tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới tử vong, theo bà Trần Việt Nga, khi sử dụng đồ hộp, người tiêu dùng cần quan sát bên ngoài, nếu thấy hộp phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng trong sản phẩm xuất hiện vi khuẩn kỵ khí, sinh độc tố. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà mà đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp có đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về thực phẩm; xuất xứ hàng hóa, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần, định lượng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng, như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.
Hiện nay, nhiều người Việt có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không rồi để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng. Thói quen này tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc. “Muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm, người dân cần áp dụng quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao, không tự đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không đảm bảo”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cho hay.
Để sử dụng thực phẩm an toàn, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, đưa lời khuyên: Không ăn đồ hộp đã hư hỏng (thủng, phồng nắp, bị gỉ ở xung quanh vết hàn...); không dùng thức ăn nguội nghi ô nhiễm; hạn chế dùng các thực phẩm đã lưu giữ quá lâu. Sau khi sử dụng thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe với triệu chứng như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.