Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ thua trên “sân nhà”

Anh Minh| 03/05/2014 07:21

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I năm nay, cả nước có hơn 18.000 doanh nghiệp (DN) dân doanh thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 98.000 tỷ đồng, tăng 17% về số DN và 23% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội kinh doanh đang bị bào mòn

Quý I-2014, cả nước đã có 17.000 DN không thể tiếp tục chống đỡ với khó khăn và buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan chức năng nhận định, tình hình hoạt động của cộng đồng DN nhìn chung có bước hồi phục, nhưng chưa rõ ràng do DN hồi phục chậm, lại không đều giữa các ngành, lĩnh vực nên sự phục hồi này không thể "cộng hưởng" để tạo sức mạnh, đủ sức khơi dậy sức mua của thị trường, khiến CPI tăng rất thấp kể từ đầu năm đến nay.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Bảo Lâm



Điều đáng quan ngại là đến nay quy mô trung bình của DN mới thành lập ngày càng nhỏ hơn so với thời gian trước, cho thấy khả năng huy động vốn của các doanh nhân đã giảm sút. Mặt khác, giới chuyên gia cũng nhận định, thực tế trên bị chi phối bởi 2 nguyên nhân: Có thể lượng vốn trong dân ngày càng "hiếm" và trên đà giảm thiểu hoặc niềm tin vào cơ hội kinh doanh của giới DN đang bị bào mòn nên chưa thể đầu tư "ra tấm, ra món" nhất là trong bối cảnh sức cầu của thị trường trong nước chưa được cải thiện.

Do đặc điểm của DN nhỏ và vừa là "mỏng" về vốn, yếu kém về năng lực quản trị DN, thiếu mặt bằng sản xuất cũng như công nghệ lạc hậu nên đa số DN chỉ có thể gắng sức để tồn tại. Điểm yếu của DN hiện nay là sản xuất ra sản phẩm có chất lượng chưa cao trong khi giá thành lại tương đương hoặc cao hơn so với sản phẩm của các nước trong khu vực. Do vậy, DN sẽ phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tổn thương hơn khi Việt Nam đang gấp rút hội nhập quốc tế, nhất là khả năng sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối năm nay và đặc biệt là đứng trước mức cạnh tranh ngày càng gay gắt khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Theo chuyên gia kinh tế, một khi mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan tức là chấp nhận hàng hóa nước ngoài đổ vào, gây khó khăn cho khả năng tiêu thụ hàng hóa của DN nội địa.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực tế trên, Chính phủ đang nỗ lực và tăng cường hỗ trợ DN, trong đó tập trung nghiên cứu, hoàn thiện nội dung để sớm thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) trong thời gian tới. Đây sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng hàng đầu, trực tiếp tạo hành lang cho DN hoạt động. Đáng lưu ý, đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp, nêu rõ quyết tâm của cả hệ thống cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ DN, tạo cơ hội thuận lợi nhất để DN hoạt động có hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh công đoạn chuẩn bị để đưa Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động hình thành một kênh cấp vốn cho DN, đồng thời chia sẻ gánh nặng với thực tế từ trước đến nay DN thường phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo việc triển khai các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Đặc biệt, các ngành chức năng đang khuyến nghị việc hình thành hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ thị trường trong nước, kiểm soát chuỗi phân phối, bảo đảm đầu ra cho DN. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ đảm nhận trách nhiệm kiểm soát, phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ có xuất xứ từ bên ngoài để trợ giúp DN trong nước. Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương có cơ chế, biện pháp phù hợp để thúc đẩy việc đưa hàng Việt Nam lan tỏa, hiện diện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, siêu thị trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tìm biện pháp hỗ trợ DN khi xử lý, đối phó với những trường hợp bị ép giá hoặc xảy ra tranh chấp với DN nước ngoài. Chính phủ yêu cầu chính quyền, đơn vị quản lý các địa phương rà soát, giảm thiểu các quy định, giấy phép và thời gian thực hiện nghĩa vụ, thủ tục hành chính. Đây là yêu cầu thiết thực vì DN.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng và DN năm 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gợi ý DN cần mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng để phát triển bền vững thông qua cạnh tranh về chất lượng sản phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thua trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.