1. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2013, tổng vốn các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012, tổng vốn giải ngân tăng 6,4%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khối FDI tiếp tục có mức tăng cao hơn so với khối DN trong nước, với giá trị xuất siêu đạt 6,91 tỷ USD…
Những số liệu trên phần nào cho thấy tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã sáng sủa hơn, các nhà đầu tư nước ngoài đã có cái nhìn khả quan hơn về triển vọng đầu tư của Việt Nam.
Phải khẳng định là trong chặng đường 1/4 thế kỷ qua, các DN FDI đã đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta và có nhiều đóng góp quan trọng. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng đầu tư toàn xã hội tăng nhanh qua các thời kỳ, đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành, phát triển nhiều ngành kinh tế như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc; hình thành một số khu đô thị hiện đại, nhiều khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, văn phòng cho thuê... Từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực kinh tế trong nước, dần trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2012). Với sự phát triển năng động, khu vực này đã thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của cả nước cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng tăng (chiếm 11,9% tổng thu ngân sách năm 2012). Các DN FDI cũng tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó có hàng vạn kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề. Sự xuất hiện của các DN FDI đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại, du nhập nhiều phương thức quản lý tiên tiến vào Việt Nam…
Sự "ăn nên làm ra" của khối DN FDI tất nhiên là nhờ nội lực của chính họ, song cũng phải kể đến sự hỗ trợ từ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta. Trong hàng chục năm qua, đã có rất nhiều văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư nước ngoài được ban hành từ Trung ương Đảng, Chính phủ cho tới các bộ, ngành, địa phương. Môi trường đầu tư ngày càng cởi mở, thông thoáng đã đem lại cơ hội phát triển thuận lợi cho các DN FDI.
2. Vui mừng trước những thành tựu và đóng góp của các DN FDI, song cũng cần cảnh báo về những bất cập cũng như tình trạng thiếu ổn định của khối DN này. Cũng không khó để nhận thấy đằng sau ánh hào quang mang tên FDI vẫn còn khoảng tối, gọi cho đúng thì đó là những hệ lụy xấu cho nền kinh tế và cho đất nước.
Trước hết, phải kể đến tình trạng giải ngân vốn FDI diễn ra khá chậm chạp, hiện mới chỉ đạt gần 98 tỷ/211 tỷ USD, bằng 47% tổng vốn đăng ký. Hầu hết đối tác đến từ Châu Á, số DN có quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao. Có rất ít tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI tập trung vào công nghệ lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, ít có dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là tỷ trọng dự án trong nông, lâm, ngư nghiệp rất thấp và đang có xu hướng giảm dần - dù đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh; mặt khác việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường… cũng hạn chế. Các dự án thường tập trung tại những địa bàn thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, gây ra tình trạng mất cân đối giữa các vùng miền và không đạt được mục tiêu hướng nguồn vốn FDI vào những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đáng lưu tâm nữa là mục tiêu thu hút, chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng chưa đạt như kỳ vọng khi có tới 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình trên thế giới, đặc biệt là 14% mang theo máy móc, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam, không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp mà còn gây tổn hao năng lượng, lãng phí tài nguyên, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường như trường hợp Công ty Vedan là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, số lượng việc làm khu vực FDI tạo ra cũng chưa cao, thu nhập của người lao động chỉ nhỉnh hơn khối DN tư nhân, thậm chí thấp hơn so với DN nhà nước. Phần lớn các tổ chức công đoàn trong DN FDI hoạt động theo kiểu "đánh trống ghi tên", không đủ sức bảo vệ quyền lợi cho người lao động, dẫn đến tình trạng tranh chấp với chủ lao động, đình công có xu hướng gia tăng… Đáng nói là nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở pháp lý cũng như chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Nhà nước và các địa phương để khai khống giá trị nhập khẩu, giá trị chuyển giao công nghệ; thậm chí không ít DN nước ngoài (có tên tuổi hẳn hoi) đã dùng "tiểu xảo" chuyển giá tinh vi, nhập nhèm "lỗ giả, lãi thật" không chỉ để trốn thuế mà còn nhằm thôn tính đối tác, khiến DN Việt Nam buộc phải rút vốn, biến liên doanh trở thành DN 100% vốn nước ngoài. Nói thêm về chuyện nộp ngân sách. Báo cáo của ngành thuế trong nhiều năm qua đã chỉ ra có không ít "đại gia" FDI đạt doanh thu và lợi nhuận "khủng", thế nhưng đóng góp vào ngân sách lại rất khiêm tốn!
Nguyên nhân của những bất cập này có nhiều. Nhưng, một lý do quan trọng phát sinh tiêu cực trong môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại xuất phát từ chính quan điểm thu hút đầu tư của chúng ta. Đặc biệt, sau khi việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài được phân cấp về các địa phương đã dẫn đến tình trạng đua nhau "trải thảm đỏ" với những cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… một cách quá dễ dãi. Đáng nói là tư duy thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, thiếu tầm nhìn đã dẫn đến tình trạng "bội thực", "giẫm chân nhau", dư thừa hàng hóa tồn kho trong nhiều ngành nghề, khiến các DN trong nước ngày càng "teo tóp", đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoặc rơi vào sự khống chế, thôn tính của DN nước ngoài…
Thực trạng bất cập, phát triển không ổn định, thiếu bền vững trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã được bàn luận nhiều tại các kỳ cuộc hội thảo, hội nghị và là đề tài nóng tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Dịp tổng kết 25 năm mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới đây, đã có một số ý kiến băn khoăn rằng, có nên tiếp tục thu hút ồ ạt các DN FDI và ưu ái họ một cách thái quá, trong khi sau 1/4 thế kỷ hội nhập chúng ta vẫn chỉ được thế giới biết đến với tư cách là một "xưởng gia công khổng lồ" chuyên cung cấp nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ, nhận tiền lẻ từ các nhãn hàng nước ngoài và tự biến mình thành "bãi rác công nghệ lạc hậu" của thế giới?
Rõ ràng là tình trạng dễ dãi thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá như nêu ở trên nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến các DN trong nước suy yếu. Vì vậy, đã đến lúc phải có một cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài; phải thay đổi tư duy, không chạy theo những con số mà phải hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả. Phải thẩm định, sàng lọc, ưu tiên lựa chọn những dự án cần thiết, phù hợp, và từ chối những dự án có thể gây nguy hại tới sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần tiếp tục được cải cách, đổi mới nhằm tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời phải bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các DN trong nước.
3. Trở lại với những số liệu được cho là khả quan trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài những tháng gần đây. Có ý kiến cho rằng, sự khởi sắc của dòng vốn FDI thời gian qua là có nguyên do. Đó là việc Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình đàm phán để tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc trở thành thành viên TPP đương nhiên mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tham gia TPP sẽ tăng cường lợi thế xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. Hơn nữa, Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều thị trường xuất khẩu chính đã là thành viên của TPP như Hoa Kỳ hoặc sắp tới là Nhật Bản. Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may, sau khi tham gia TPP vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất 0% (hiện là 17,3-32%). Như vậy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ dự kiến tăng từ 7% hiện nay lên 12-13%, thu về khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025. Tương tự là mặt hàng da giày. Đặc biệt là lúa gạo, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn vì các đối thủ chính của chúng ta là Thái Lan và Ấn Độ chưa tham gia đàm phán TPP… Chính vì thế, TPP được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù còn đang đàm phán nhưng lợi ích và thời cơ đã khá rõ ràng. Vậy nhưng các DN trong nước dường như vẫn khá mơ hồ về TPP, trong khi không ít nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh tay rót vốn vào ngành dệt may và da giày, vốn là những ngành có lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam, để đón đầu cơ hội, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ cho các ngành này. Điều đáng nói ở đây là trong khi dệt may của Việt Nam phụ thuộc tới 40% vào nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc (không tham gia TPP) thì việc DN trong nước chậm chân, để các nhà đầu tư nước ngoài "đi tắt đón đầu" ngay trên "sân nhà" sẽ là bất lợi rất lớn của Việt Nam trong việc tranh thủ ưu đãi thuế khi tham gia TPP. Có vẻ như bài học về sự thiếu chuẩn bị, chưa tận dụng tốt cơ hội khi được tham gia WTO đang trở lại với các DN Việt Nam. Không khó để hình dung ra các DN nội sẽ tiếp tục bị lép vế như thế nào trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của dòng vốn nước ngoài được chuẩn bị tốt.
Trong bối cảnh đó thì yêu cầu về một cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài - qua đó sẽ sàng lọc, ưu tiên lựa chọn những dự án có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước và "nói không" với những dự án không phù hợp - càng trở nên bức thiết. Bên cạnh đó, cộng đồng DN trong nước cần kịp thời, chủ động nắm bắt cơ hội và nỗ lực hành động. Có như vậy mới tránh được nguy cơ “thua trên sân nhà”!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.