Hiện nay, không ít học sinh (HS) đi học bằng xe đạp điện thay cho xe đạp thường. Tuy nhiên, loại xe này có tốc độ khá cao, nếu đi xe không đội mũ bảo hiểm, lạng lách thì có thể gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Các em đã biết đến những mối nguy hại từ loại phương tiện này chưa?
Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 11A1, Trường THPT Ngọc Hồi):
- Xe đạp điện có nhiều ưu điểm so với xe đạp thường vì không phải dùng sức người, đi xa cũng không mệt mỏi. Thế nên, nhiều bạn nhà ở xa trường thích sử dụng xe đạp điện hơn. Tuy nhiên, các bạn ấy đều cho rằng xe đạp điện vẫn chỉ là xe đạp, không phải xe máy nên không đội mũ bảo hiểm, phóng với tốc độ thế nào cũng được, thậm chí đi cả vào đường dành cho ô tô, đi trên vỉa hè… Nhiều trường cấm không trông giữ xe đạp điện thì các bạn lại để xe tại các điểm trông giữ ngoài cổng trường. Tại đó, HS có đội mũ bảo hiểm hay không, chưa bao giờ bị người trông xe nhắc nhở.
Em Trần Minh Hiếu (Lớp 11A6, Trường THPT Trần Đăng Ninh):
- Ở lớp em, nhiều bạn "đua nhau" sắm xe đạp điện. Bạn nhà ở gần trường hay xa trường đều cố vòi vĩnh bố mẹ mua cho xe đạp điện. Vì đi xe đạp điện mới chứng tỏ là "sành điệu" chứ đi xe đạp địa hình, xe đạp mini "quê lắm". Khi lưu thông trên đường, các bạn còn chạy với vận tốc lớn để xem xe của ai "xịn" nhất, chứ không quan tâm xem đi thế nào mới đúng luật. Việc đội mũ bảo hiểm cũng vậy, bạn nào cũng mua những chiếc mũ gọn nhẹ, hợp thời trang chứ không mua mũ đúng tiêu chuẩn vì sợ đội nặng đầu, hỏng kiểu tóc. Nếu gặp các chú công an thì sẽ xin xỏ hoặc chấp nhận nộp phạt. Thậm chí, nhiều bạn còn tìm hiểu xem tuyến đường nào hay có các chú công an trực để tránh đi qua, tuyến đường nào vắng chú công an để tha hồ phóng nhanh, vượt ẩu.
Chú Mai Anh Tuân (phụ huynh HS, 98 Khương Thượng, Hà Nội):
- Nhiều phụ huynh có suy nghĩ mua cho con xe đạp điện để con đi học cho đỡ vất vả. Thế nhưng đa phần HS đều có kiến thức về an toàn giao thông chưa đầy đủ, kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông kém. Không ít em nam dễ bị kích động, nên dẫn tới tình trạng thách đố nhau lạng lách, đánh võng. Với tốc độ khá cao khoảng 30-40 km/h, các em có thể gặp những hậu quả rất nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn. Tôi được biết cuối tháng 10 vừa qua đã có trường hợp HS tử vong vì bị tai nạn xe đạp điện.
Để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng HS điều khiển xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Quan trọng nhất, phụ huynh nên chọn cho con em mình loại phương tiện phù hợp, tốt nhất là những chiếc xe đạp thông thường được lắp ráp trong nước. Nhà trường nên mở các buổi ngoại khóa giáo dục về an toàn giao thông, các quy định giao thông đối với người đi xe đạp, xe đạp điện. Các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra thường xuyên để các em dần dần có thói quen tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.