(HNM) - Chỉ còn thời gian không dài nữa - khoảng 4 tháng (cuối năm 2015) - Cộng đồng kinh tế ASEAN, với quy mô thị trường khoảng 600 triệu dân, chính thức ra đời.
Bên cạnh những thuận lợi là sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, vốn hay lao động có tay nghề, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ xuất phát từ đặc thù tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ tụt hậu với khoảng cách khá xa so với doanh nghiệp nhiều nước trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc để tồn tại, phát triển, các doanh nghiệp trong nước phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm vượt qua áp lực cạnh tranh gay gắt, thậm chí khốc liệt. Tuy nhiên...
Tại phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội diễn ra sáng 18-8, một thông tin rất đáng chú ý được đưa ra, đó là: Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về Cộng đồng ASEAN còn chưa đầy đủ. 70% doanh nghiệp chưa hiểu rõ về Cộng đồng ASEAN. Đồng thời, theo các chuyên gia kinh tế, ngay tại TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế cả nước - phần lớn doanh nghiệp... "chưa sẵn sàng" cho hội nhập (khu vực).
Không chỉ thông tin liên quan đến quá trình doanh nghiệp chuẩn bị tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN mới đáng chú ý... Ở quy mô hội nhập kinh tế rộng hơn, nhiều đánh giá liên quan "tâm thế" của doanh nghiệp cũng... rất tiêu cực: Việt Nam đã tham gia hoặc đang trong giai đoạn đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (trong đó, vừa cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU). Dù vậy, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do - cơ hội cũng như thách thức từ nó - rất... lơ mơ. Tại diễn đàn CEO ngành nhựa diễn ra cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại: Khi ký kết hiệp định thương mại tự do, các nước dành cho nhau mức thuế quan ưu đãi, dần cắt giảm về 0% theo lộ trình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ta lại không biết phải đáp ứng những điều kiện gì để được hưởng mức thuế quan thuận lợi.
Trong khi đó, rất đáng chú ý, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp các nước trong khối - theo một khảo sát - lại chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Vậy thì đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên ở doanh nghiệp Việt Nam: Hoạt động tuyên truyền, thông tin về hội nhập (cụ thể ở đây là về các hiệp định thương mại tự do, việc hình thành cộng đồng kinh tế khu vực) chưa đầy đủ? Doanh nghiệp thờ ơ về những lĩnh vực nào? Doanh nghiệp thiếu thông tin và những hướng dẫn thực thi? Quá trình trao đổi (chính sách) hai chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp chưa thông suốt?... Dù vì bất kỳ nguyên nhân nào thì điều cần nói thêm ở đây là để đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực, đồng bộ trong những năm qua như hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm cơ bản tương thích, đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan...
Hội nhập kinh tế đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp. Trong quá trình này, trước hết chính doanh nghiệp phải chủ động; đặc biệt, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đóng vai trò quan trọng.
Với nhận thức "còn chưa đầy đủ", doanh nghiệp không thể tận dụng được những lợi thế mà hội nhập kinh tế khu vực cũng như quốc tế mang lại... Nếu tiếp tục nhận thức "chưa đầy đủ" rất có thể nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ phải từ bỏ "cuộc chơi" trên thương trường khắc nghiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.