(HNM) - Từ xa xưa, làng nghề thêu tranh Đại Đồng thuộc xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên nức tiếng một vùng. Hiện nay, làng thêu này lại
Vang bóng một thời
Đại Đồng vào những ngày này thật im ắng. Khi chúng tôi hỏi thăm, người bán hàng nước ven đường lắc đầu ngao ngán: "Đến thuê thêu tranh à, không có ai thêu nữa đâu". Từ quốc lộ 1, lối rẽ trên con đường dẫn vào làng vẫn còn tấm biển lớn ghi dòng chữ "Làng thêu tranh Đại Đồng" nhưng tên gọi ấy giờ chỉ còn là "hữu danh vô thực". Hiện tại cả làng chỉ có gia đình cụ Nguyễn Thị Chắc còn thêu tranh.
Ông Lại Xuân Chiến giới thiệu một bức tranh do cụ Chắc thêu. |
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà cụ Chắc. Đó là một căn nhà cấp bốn sạch sẽ, giản dị. Cụ Chắc năm nay đã ngoài 80 tuổi, cụ thêu tranh lúc nông nhàn cho đỡ buồn và cũng là để thỏa nỗi nhớ nghề. Những bức tranh ở nhà cụ đều có vẻ đẹp mộc mạc và mang đậm phong cách Việt. Đây là những bức tranh bày đã nhiều năm. Từ năm 2010 đến nay, số tranh thêu mà cụ Chắc bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2011, cụ may mắn bán được bốn bộ tranh tứ quý cho khách nước ngoài đến tham quan làng nghề. Hiện nhà cụ vẫn còn mấy chục bức, chủ yếu là tranh phong cảnh. Cũng đã gần 2 năm nay cụ không thêu thêm trọn vẹn một bức tranh nào nữa.
Nghề thêu có tại làng Đại Đồng từ thế kỷ XVIII, được truyền từ làng thêu Quất Động. Ông tổ của nghề là Lê Công Hành, từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Ông thi đỗ tiến sĩ vào thời vua Lê Chân Tông, làm quan và được cử đi sứ ở Trung Quốc. Ông đã học hỏi kỹ thuật thêu ở xứ người về truyền dạy cho những người nông dân ở Quất Động. Sau một thời gian phát triển, thấy nghề này ăn nên làm ra, những người dân ở đây đã truyền nghề cho nhau và truyền đến làng Đại Đồng.
Từ lúc nghề thêu vào Đại Đồng đã trải qua không ít thăng trầm. Cụ Nguyễn Thị Chắc cho biết, nghề thêu cũng có lúc thịnh vượng. Đó là thời kỳ những năm 1960, cả làng nô nức tham gia học thêu, làm nghề thêu. Thị trường tiêu thụ tranh chủ yếu là các nước Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa. "Hồi đó đông lắm, người người học thêu, đi học mà vui như đi hội, nghề thêu thời đó nuôi sống người dân Đại Đồng", cụ Chắc nhớ lại. Các xã viên làm việc trong hợp tác xã ngày làm 8 tiếng. Tay nghề chính nhận được 18kg gạo/người/tháng, với tay nghề phụ nhận 13,5kg/người/tháng. Ngoài ra còn nhận lương 300 đồng/tháng. Thu nhập như vậy vào thời đó được coi là khá ổn định, mua được hai tạ thóc, đủ cho cả nhà 5 đến 6 miệng ăn trong tháng nên thu hút nhiều người làm nghề.
Trước đây, người dân Đại Đồng luôn tự hào về nghệ nhân được phong danh hiệu "Bàn tay vàng" Vũ Đức Trọng nguyên là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông sinh năm 1910 trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng đất chiêm trũng tại thôn Đại Đồng. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ nghề thêu phát triển rầm rộ, với bàn tay khéo léo của mình thì kim chỉ đã trở thành phương tiện kỳ diệu để thể hiện tâm hồn của nghệ nhân. Các tác phẩm thêu tranh nổi tiếng của ông như: Đoàn bè ra khơi, Suối ngàn Việt Bắc và các bức về Chủ tịch Hồ Chí Minh… đến bây giờ nhắc lại các cụ cao tuổi trong làng đều trầm trồ và ngưỡng mộ.
Trong trí nhớ của những người dân địa phương, nghề thêu mang lại không khí rộn ràng, nhộn nhịp cho xóm làng. Bà Vũ Thị Ngọc cho biết: "Hồi xưa ấy à, đường làng, ngõ xóm đều phơi vải lụa, kẻ ra người vào tấp nập lắm, có cả những khách nước ngoài đến tham quan và mua tranh. Cả làng làm nghề, nghề thêu đem lại thu nhập chính. Bây giờ còn mỗi nhà cụ Chắc có mấy bức tranh, chả ai thêu và học thêu nữa. Nhiều lúc tôi nghĩ mà buồn".
Không ai theo nghề
Nghề thêu đòi hỏi sự khéo léo, công phu và sự sáng tạo. Để làm ra một bức tranh đơn giản, người thêu phải mất một tháng, đối với những bức có kích thước lớn, họa tiết cầu kỳ có thể làm một đến vài năm. Thu nhập không ổn định là nguyên nhân chính khiến 5 năm trở lại đây trong làng hầu như không có bạn trẻ nào học thêu. Chủ yếu bây giờ giới trẻ thêu những mẫu có sẵn từ thị trường Trung Quốc vì vừa rẻ vừa đơn giản. Bản thân bà Nguyễn Thị Chắc đã nhiều lần động viên con cái học để nối nghề nhưng đều nhận được những cái lắc đầu chán nản từ các con: "Nghề này không ổn định, bọn con theo nghề này thì khổ lắm, lấy đâu tiền nuôi con cái ăn học".
Nhiều người dân Đại Đồng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nghề tranh mai một như vậy là không có thị trường tiêu thụ ổn định, không mang lại thu nhập, buộc họ phải tìm nghề khác. Sự kiện Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam. Tranh thêu không còn được ưa chuộng như trước. Bắt đầu từ những năm 1991 trở đi số lượng sản phẩm thêu suy giảm, sản phẩm làm ra không bán được. Trong làng những ai không có công ăn việc làm ổn định thì lên Hà Nội làm công nhân, giúp việc, trông trẻ… bởi có thu nhập cao hơn. Đứng trước thực trạng làng nghề ngày càng mai một, năm 2007 và 2008 chính quyền huyện Phú Xuyên đã mở lớp dạy nghề thêu. Tham gia lớp học, các học viên được hỗ trợ ăn uống, phí đi lại. Lớp học mở ra, cán bộ địa phương rất phấn khởi vì thu hút được hơn 80 người, lớp thứ hai khoảng 60 người tham gia. Nhưng điều đáng buồn là sau khóa học vẫn không một ai gắn bó với nghề. Cách đây 3 năm có ông Vũ Chí Thanh đã theo nghề suốt mấy chục năm trời và ông là niềm tự hào của người dân Đại Đồng vì được phong danh hiệu "Bàn tay lụa". Nhưng nay ông cũng bỏ nghề vì tuổi cao, thêu tranh xong không có thị trường tiêu thụ. Hiện tại, ông nghỉ ở nhà trông cháu.
Vấn đề khôi phục lại làng nghề là bài toán khó với những nhà quản lý tại địa phương. Ông Lại Xuân Chiến, nguyên là cán bộ văn hóa huyện Phú Xuyên cho biết: "Được Nhà nước công nhận là một làng nghề phải đáp ứng đủ ba tiêu chí: Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính từ thời điểm đề nghị công nhận; chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, cả làng có thể coi như không có hộ nào làm nghề, tương lai cũng không có ai nối nghiệp, chuyện xóa sổ làng nghề chỉ là chuyện một sớm một chiều. Vấn đề lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, vấn đề này hiện tại chúng tôi vẫn không có cách giải quyết".
Nhiều người dân, nhất là những nghệ nhân tuổi đã cao, vẫn mong ước nghề thêu ở đây sẽ được khôi phục vì nhu cầu sử dụng tranh thêu trong trang trí nội thất vẫn rất lớn, điều quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ không lâu nữa, làng tranh thêu Đại Đồng chỉ còn lại trong ký ức và niềm nuối tiếc của những người yêu tranh thêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.