(HNM) - Dự án cống hóa và làm đường tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng là một trong những dự án trong danh mục công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND TP Hà Nội và Sở GTVT đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, bố trí vốn... Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến Đại lễ, dự án vẫn bị chậm tiến độ và có nguy cơ lỗi hẹn.
Mới cơ bản hoàn thành hơn 1,2km đầu
Thi công đoạn La Thành - Thái Hà - Láng. Ảnh: Đàm Duy |
Dự án cống hóa và làm đường tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng do Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT) làm chủ đầu tư, chia làm 2 dự án nhỏ, bao gồm: dự án cống hóa mương và làm đường đoạn Trịnh Hoài Đức - La Thành; dự án cống hóa mương và làm đường đoạn La Thành - Thái Hà - Láng. Ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban QLDA Giao thông đô thị cho biết, đến thời điểm này, việc cống hóa tuyến mương từ Trịnh Hoài Đức (đoạn giao cắt với đường Cát Linh) đến đường Láng đã cơ bản hoàn thành. Dự án cống hóa và xây dựng đường đoạn Trịnh Hoài Đức - La Thành có chiều dài 1.480m được chia làm 3 đoạn để thi công. Đoạn 1 từ đê La Thành đến Bộ Tư lệnh Thông tin (TLTT) dài 590m; đoạn 2 từ Bộ Tư lệnh Thông tin đến cống Trịnh Hoài Đức dài 479m; đoạn 3 tại ngõ bãi Cát Linh dài 243m. Suốt thời gian dài, công tác GPMB tại dự án này rất phức tạp, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. UBND TP Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo và có những biện pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên đã cơ bản được người dân đồng thuận. Như tại đoạn La Thành - Trịnh Hoài Đức liên quan tới 300 phương án bồi thường, trong đó 215 trường hợp phải bố trí tái định cư. Qua quá trình vận động, thuyết phục, các hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng, chỉ còn 1 hộ phải tổ chức xử lý hành chính. Đoạn từ Bộ TLTT đến Giang Văn Minh có 119 phương án phải GPMB trên địa bàn các phường Ô Chợ Dừa và Cát Linh (quận Đống Đa). Ban đang phối hợp với chính quyền địa phương phê duyệt phương án và chi trả tiền đền bù thu hồi đất. Về công tác thi công tại đoạn này, đến nay đã có 3 trong tổng số 4 gói thầu thi công xong với tổng chiều dài hơn 1.200m. Dự kiến, đoạn ngắn còn lại từ Bộ TLTT đến Giang Văn Minh sẽ tổ chức khởi công trong tháng 3-2010 này để bảo đảm tiến độ.
Đoạn 1,9km cuối sẽ chậm nếu không thay thế nhà thầu
Trong khi đoạn từ Trịnh Hoài Đức - La Thành đã cơ bản ổn thỏa thì đoạn La Thành - Thái Hà - Láng (dài 1,9km, nối từ đường đê La Thành đến đường Láng, mặt cắt ngang rộng từ 35-50m với 6 làn xe) lại đang rất chậm. Các nhà thầu chính tham gia thi công tại đây bao gồm Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị (UDIC), Công ty TNHH Thành Đạt… Đến nay, công tác GPMB, thu hồi đất và bố trí tái định cư tại đoạn tuyến này cũng đã cơ bản hoàn tất. Những tưởng, có mặt bằng, nhà thầu sẽ tổ chức thi công ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là khi thời điểm Đại lễ đã cận kề, nhưng như đại diện đơn vị chủ đầu tư bức xúc, tại một số gói thầu, nhà thầu tổ chức thi công rất chậm, thậm chí có chỗ, dù đã xong GPMB nhưng họ lại không chịu nhận mặt bằng. Cụ thể, tại gói thầu số 2, Ban QLDA đã nhiều lần tổ chức bàn giao mặt bằng cho Tổng Công ty UDIC song Tổng công ty không nhận. Tại gói thầu số 3 do Tổng Công ty Sông Hồng thi công cũng không bảo đảm tiến độ. Ban đã nhiều lần phải yêu cầu nhà thầu này tập trung nhân lực, thiết bị, vật liệu để triển khai thi công. Nghiêm trọng nhất là tại phần khối lượng do Công ty TNHH Thành Đạt thi công tại gói thầu số 3A. Sau khi xem xét thực tế, Ban QLDA khẳng định công ty này không còn đủ khả năng thực hiện công việc được giao. Do đó, Ban đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT trình UBND TP thay thế các nhà thầu không đủ năng lực, không đáp ứng được tiến độ như đã cam kết với thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.