(HNM) - Quản lý tại cơ sở, địa bàn vẫn còn lỏng lẻo, bất cập khiến cho nguy cơ tội phạm về ma túy đang có xu hướng gia tăng tại Hà Nội. Do đó, các cấp, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, qua đó đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm đấu tranh với loại tội phạm này.
Công tác quản lý vẫn lỏng lẻo
Theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, khám phá 1.724 vụ với 2.346 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó đã xử lý hình sự 1.647 vụ với 1.926 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng 27 vụ, 34 đối tượng. Mới đây, cuối tháng 6-2019, Công an thành phố đã bắt giữ Phan Hắc Hải (sinh năm 1982, quê tỉnh Sơn La) khi đối tượng đang vận chuyển 2 bánh heroin từ huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đến khu vực Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tại cơ quan Công an, Hải khai được một người thuê vận chuyển số heroin nói trên. Nếu giao hàng trót lọt, Hải sẽ nhận được 15 triệu đồng tiền công.
Cùng với nhiều vụ vận chuyển ma túy từ các nơi khác về Hà Nội bị phát hiện, các điểm, địa bàn “nóng” về ma túy tại thành phố cũng có những diễn biến phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố (Ban Chỉ đạo 138 thành phố), tính chung trên địa bàn thành phố, chỉ có 7/584 xã, phường, thị trấn là không có tệ nạn ma túy. Thành phố hiện còn 1 điểm phức tạp về ma túy tại thôn Vĩnh Xương Thượng (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức) chưa giải quyết được. Hơn nữa, Công an thành phố tiếp tục xác định được 7 điểm đề xuất là điểm phức tạp mới về ma túy.
Ngoài ra, thành phố vẫn còn 10 địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy, trong đó có 3 điểm thuộc quận Thanh Xuân; 2 điểm thuộc quận Ba Đình; các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Trì mỗi địa phương có 1 điểm. Anh Ngô Đức Huy (trú ở ngõ 271 phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân) phản ánh, lợi dụng khu vực nghĩa trang nằm giữa ngõ 207 và ngõ 271 phố Bùi Xương Trạch - một trong 10 địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy nói trên - có dấu hiệu các đối tượng mua bán ma túy nhỏ lẻ vẫn lén lút hoạt động. “Chúng tôi rất lo lắng bởi hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được dẹp bỏ”, anh Huy nói.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội), việc quản lý người nghiện tại địa bàn, cơ sở còn lỏng lẻo nên tội phạm về ma túy vẫn còn đất sống. Thành phố hiện có hơn 13.300 người nghiện, người sử dụng ma túy, trong đó có 67% đang sinh sống tại cộng đồng, trong khi số người được đưa đi cai nghiện từ cộng đồng vẫn còn hạn chế. “Con số này vẫn dựa trên danh sách theo dõi ma túy truyền thống, chưa thống kê được số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp. Do đó, thống kê trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế”, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền nói.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ sở
Chia sẻ về khó khăn tại địa bàn quản lý có nguy cơ cao phát sinh “điểm nóng” về ma túy, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Bùi Quang Khải cho biết, hiện nay công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế như lực lượng chuyên trách về việc này mỏng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ cơ sở chưa đồng đều, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, kinh phí hoạt động khó khăn…
Phân tích thêm nguyên nhân của những tồn tại đang đặt ra, Thiếu tá Chu Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Thanh Xuân) cho rằng, công tác phối hợp quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự như: Quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng đối với người tỉnh ngoài, người nước ngoài; việc quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ... vẫn còn sơ hở, chưa chặt chẽ dễ tạo điều kiện cho tội phạm ma túy hoạt động. Công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng chưa được thực hiện thường xuyên…
Thượng tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, qua điều tra cơ bản, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các quận, huyện, thị xã đã thu thập dữ liệu về các đối tượng hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có tính chất đường dây, ổ nhóm, đại lý phân phối hoặc có biểu hiện hoạt động tổ chức chứa chấp sử dụng ma túy vào phần mềm quản lý, theo dõi. Phần mềm này được tích hợp nhiều dữ liệu phục vụ công tác tra cứu thông tin, đánh giá phân tích một cách khoa học thực trạng, tình hình tội phạm ma túy để tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp. Đây là một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng chức năng trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy từ cơ sở, mới đây, trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138 thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 138 thành phố đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; tiếp tục quan tâm, củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên trách. Đồng thời, UBND các cấp cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí kinh phí, ngân sách cho công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng của địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố, tại địa bàn cơ sở cần lồng ghép công tác phòng, chống ma túy với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu quả bền vững. Các cấp cũng cần duy trì, nâng cao hiệu quả các mô hình, chuyên đề thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, từng bước đẩy lùi ma túy và tội phạm về ma túy ra khỏi địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.