(HNM) - Điều đáng nói là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được
Điều đáng nói là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được "thuốc đặc trị" để kiềm chế cháy, nổ, trong khi chính đối tượng chịu thiệt hại do cháy nổ lại không mấy quan tâm...
Cháy tại quán bar Luxury (Yên Phụ, Tây Hồ) gây thiệt hại nặng nề về tài sản. |
Vụ cháy quán bar Luxury (153 Yên Phụ, Tây Hồ) đêm 23-9 cho thấy một vấn đề tồn tại từ lâu là nguy cơ hỏa hoạn rất cao tại những nơi tập trung đông người. Cũng như bar Luxury, nhiều điểm vui chơi thuộc diện kinh doanh có điều kiện thường dễ xảy cháy do thiết kế công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, thoát nạn. Đây cũng là những nơi được trang bị nhiều thiết bị âm thanh ánh sáng công suất lớn, dễ dẫn đến chập cháy. Các vách cách âm cũng góp phần để đám cháy nhanh chóng phát triển, tỏa nhiều khói độc, khó chữa. Điển hình cho nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy cao là vụ cháy quán karaoke Nhật Thực (ngõ 43 Giảng Võ, quận Đống Đa) làm 5 người chết vào ngày 3-5. Qua khám nghiệm, cơ quan CA cho biết, lửa xuất phát từ điểm nhỏ do chập điện ở cầu thang, nhanh chóng bùng cao, tỏa khói độc do ngôi nhà được thiết kế hút gió từ cửa chính lên và có nhiều vật liệu dễ cháy. Các nạn nhân không có cơ hội thoát thân vì nhà gần như "lô cốt", không có cửa thoát hiểm, mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc đối với công trình kinh doanh dịch vụ này...
Lãnh đạo Sở Cảnh sát PC&CC cho biết, không dễ khắc phục những tồn tại nêu trên và nguy cơ cháy tại các cơ sở này vẫn hiện hữu khi mà công tác quản lý về PCCC còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trong khi toàn thành phố có đến hàng trăm quán karaoke, hàng chục quán bar và thường xuyên có biến động thì lực lượng cán bộ quản lý mỏng, chưa có đầu mối xuống tới tận cơ sở (phường, xã, thị trấn) nên việc rà soát, bổ sung, phân loại, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý chưa sâu sát.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC, thời gian qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã được tăng cường nhưng chế tài thấp, chưa có tác dụng răn đe. Và vấn đề chính là một số cơ sở, đơn vị vi phạm chưa quan tâm đến việc khắc phục những tồn tại, thiếu sót do lực lượng cảnh sát PCCC chỉ ra, thậm chí còn có hiện tượng trây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, không ký vào biên bản vi phạm… Những hành vi này lại chưa có chế tài để xử lý nên bất cập dù có được chỉ ra vẫn mặc nhiên tồn tại nếu chủ cơ sở không tự nguyện khắc phục.
Không chỉ có các cơ sở thiếu ý thức phòng cháy, theo đánh giá của Sở Cảnh sát PC&CC, một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp quận, huyện cũng chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm nên chưa quan tâm chỉ đạo sát sao công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC chưa đủ mạnh, chưa đến hết các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình và từng người dân, nhất là những người lao động trực tiếp tạo ra các điều kiện gây cháy và trực tiếp chịu ảnh hưởng khi cháy, nổ xảy ra. Hầu hết người dân không quan tâm đến an toàn cháy nổ nên chưa thường trực ý thức phòng cháy, phát hiện, cảnh báo và khắc phục nguy cơ cháy. Đó là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy lúc nào cũng thường trực, thiệt hại do cháy rất khó lường...
Chỉ đến khi xảy cháy mới nghĩ đến việc phòng cháy thì quá muộn. Việc phòng cháy và sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn phải được ý thức một cách sâu sắc và thường xuyên. Hiện, thành phố đã và đang triển khai kế hoạch (số 170/KH-UBND, ngày 25-9) về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PC&CC. Kế hoạch này đã xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật PC&CC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PC&CC bảo đảm kịp thời, hiệu quả, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Kế hoạch cũng đề cập đến việc tổ chức tốt việc phổ biến luật đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương nhằm phòng ngừa cháy nổ; củng cố, kiện toàn tổ chức, thành lập đội dân phòng ở cấp xã, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành... Nếu thực hiện nghiêm túc và hiệu quả kế hoạch trên, ý thức của cán bộ, nhân dân về PCCC sẽ được nâng lên một bước, đồng nghĩa với việc nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy có thể được đẩy lùi...
6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 93 vụ cháy, nổ làm 18 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 21,6 tỷ đồng, tăng 17 vụ cháy, tăng 15 người chết so với cùng kỳ năm 2013. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.