Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ căng thẳng mới

Đình Hiệp| 22/11/2010 07:39

(HNM) - Những tưởng cái bắt tay giữa Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc hội đàm ngắn bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18 (APEC 18) vừa qua tại thành phố biển Yokohama (Nhật Bản) sẽ làm ấm lên quan hệ Trung - Nhật sau thời gian dài lạnh nhạt do vụ va chạm tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông hôm 7-9.

Ngược lại, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á này lại đang đứng trước nguy cơ căng thẳng mới khi cả hai đều tăng cường tuần tra trên biển, trong đó bao gồm cả vùng biển Hoa Đông tranh chấp.

Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc trang bị trực thăng tuần tra vùng biển Hoa Đông.

Một trong những động thái mới nhất mà Trung Quốc đưa ra tuần qua là phái tàu Ngư chính 310 đến biển Hoa Đông tuần tra trong 20 ngày. Đây là tàu ngư chính đầu tiên của Trung Quốc được trang bị trực thăng, với trọng tải 2.580 tấn và có hệ thống thông tin vệ tinh băng thông rộng cùng một hệ thống theo dõi quang điện. Tàu có bãi đỗ cho hai máy bay trực thăng và đạt tốc độ tối đa khoảng 40km/giờ. Tuy chưa phải là tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc nhưng đây là tàu nhanh nhất và có kỹ thuật hiện đại nhất. Trung Quốc cho rằng việc sử dụng tàu tuần tra này sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực thi luật biển của nước này, nhưng giới quan sát lo ngại hành động này có thể gây căng thẳng với Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong một động thái không kém phần quan trọng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuần qua cho biết cũng sẽ tăng cường tuần tra trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản, trong đó bao gồm cả vùng biển Hoa Đông đang tranh chấp với Trung Quốc bằng việc trang bị thêm 10 máy bay trinh sát P1 thế hệ mới cho Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) để "giám sát tàu ngầm và các loại tàu lạ". Đây được xem là một phần của "Kế hoạch tăng cường năng lực phòng vệ trung hạn" của Bộ Quốc phòng, dự kiến sẽ được Tokyo công bố vào tháng 12 tới. Được trang bị động cơ có tốc độ gấp 1,3 lần so với máy bay trinh sát P3C mà MSDF đang sử dụng, máy bay P1 có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ và có khả năng trinh sát thực địa không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, với tổng kinh phí dự kiến cho việc triển khai này vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Giữa lúc căng thẳng trong quan hệ hai nước chưa có dấu hiệu cải thiện sau cú va chạm trên biển Hoa Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản gần đây liên tiếp nhận được các thiết bị nổ và tài liệu chống Trung Quốc. Cùng với đó, năm cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại các thành phố Sapporo, Nagoya, Osaca, Fukuoka và Nagasaki (Nhật Bản) cũng nhận được những bưu kiện trong đó có các hộp nhựa chứa dung dịch màu đỏ. Mặc dù cảnh sát Nhật Bản đang tích cực điều tra nhưng hành động trên cũng ảnh hưởng phần nào đến quan hệ Trung - Nhật trong bối cảnh hiện nay.

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Naoto Kan với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bên lề APEC 18 vừa qua đã đánh dấu bước tiến lớn trong việc cải thiện quan hệ hai nước. Với Trung Quốc, việc hai bên cần xuất phát từ triển vọng lâu dài, mang tính chiến lược và dựa trên những nguyên tắc đã được xác định trong 4 văn kiện chính trị để duy trì quan hệ song phương cùng có lợi là rất quan trọng. Với Nhật Bản, việc hai nước thực thi các nỗ lực chung, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong các vấn đề quốc tế cũng như trao đổi văn hóa nhằm góp phần tạo nên sự lớn mạnh của châu Á để đối phó với các thách thức toàn cầu là rất cần thiết. Song những gì diễn ra trong tuần qua dường như đang vượt khỏi quỹ đạo mà hai nhà lãnh đạo mong muốn trong cuộc hội đàm trên. Điều này không quá khó hiểu bởi hai bên luôn khẳng định lập trường riêng về chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.

Quan hệ Trung - Nhật đang đứng trước nguy cơ căng thẳng mới nhưng giới phân tích vẫn cho rằng, cả hai nền kinh tế đầu tàu của khu vực và thế giới này đều không muốn phức tạp hóa tình hình bởi hai bên rất cần đến nhau. Lợi ích chung to lớn trong nhiều lĩnh vực vẫn là sợi dây ràng buộc vững chắc khiến hai bên đủ bình tĩnh hơn khi giải quyết những bất đồng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ căng thẳng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.