(HNM) - Chiều 4-3, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội) đã xác nhận thêm một ca mắc não mô cầu trên địa bàn, đó là anh Nguyễn Văn Vượng (24 tuổi, quê ở Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai).
Để bạn đọc hiểu rõ về nguy cơ lây lan, mức độ nguy hiểm của bệnh viêm màng não do não mô cầu và cách phòng bệnh sau khi Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc (Báo Hànộimới đã đưa tin ngày 4-3), phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.
- Ông có thể cho biết cơ chế mắc và lây nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu, mức độ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và các biến chứng, di chứng của bệnh?
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu có tác nhân là vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Đây cũng là một trong 28 bệnh truyền nhiễm đã được Bộ Y tế đưa vào giám sát thường xuyên. Khoảng 10% người bình thường khỏe mạnh có mang vi khuẩn này ở vùng họng mũi mà không có triệu chứng gì.
Khi bệnh xuất hiện, vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp. Khoảng 2/3 trường hợp bị bệnh viêm màng não, còn khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm trùng máu. Bệnh thường xảy ra đột ngột, bất ngờ với sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể có ban xuất huyết; trường hợp nặng có thể sốc, tỷ lệ tử vong có thể đến 15%. Mọi người đều có thể mắc bệnh này, thông qua hít phải các giọt bắn từ dịch đường hô hấp của người bị bệnh hoặc người lành nhưng có mang vi khuẩn trong hầu, họng.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 4/1.000 người tiếp xúc. Người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là những người suy giảm hệ miễn dịch, những người mới đến vùng đang có dịch, những người mới gia nhập tập thể như sinh viên mới nhập học, tân binh…
- Có nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi Hà Nội ghi nhận liên tiếp hai ca đầu tiên trong năm hay không, thưa ông?
- Bệnh não mô cầu không phải là bệnh mới nổi và không phải là bệnh lạ mà lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Hà Nội, những năm gần đây, trung bình mỗi năm ghi nhận vài trường hợp nhưng chưa có vụ dịch nào xảy ra. Từ năm 2011-2015, toàn địa bàn thành phố ghi nhận 15 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 ca tử vong.
Các trường hợp mắc thường tản phát, riêng lẻ và không có ổ dịch lớn. Hiện ca bệnh đầu tiên ở huyện Đông Anh được ghi nhận trong năm 2016 đã qua cơn nguy kịch. Còn ca bệnh mới ghi nhận ở Quốc Oai đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quốc Oai tiến hành khoanh vùng, dập dịch, phun khử khuẩn khu vực bệnh nhân tiếp xúc, đồng thời cho những người tiếp xúc gần bệnh nhân uống thuốc dự phòng. Như vậy có thể khẳng định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất thấp.
- Ông có thể cho biết biện pháp phòng bệnh hiện nay?
- Biện pháp thứ nhất là tiêm phòng vắc xin. Mọi người cần đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng. Biện pháp hữu hiệu tiếp theo là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng. Ngoài ra, tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị mắc bệnh, nếu không bắt buộc phải dùng khẩu trang và thuốc dự phòng. Nơi ở, nơi làm việc nên để thông thoáng. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn và nôn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, đồng thời thông báo cho các trạm y tế, trung tâm y tế để thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.