Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ bùng nổ dân số lần hai vẫn chực chờ

Thảo Nguyên| 30/07/2011 07:58

(HNM) - Khi tỷ lệ sinh đã giảm, mục tiêu DS-KHHGĐ đã hoàn thành, có ý kiến cho rằng không cần thiết phải tiếp tục duy trì Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) DS-KHHGĐ nữa.


Đã thành công nhưng vẫn nhiều thách thức


Cán bộ y tế tư vấn về DS - KHHGĐ cho phụ nữ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng,  Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc


Cách đây 50 năm, Quyết định số 216/CP ngày 26-12-1961 về sinh đẻ có hướng dẫn là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam. Đến nay, công tác DS-KHHGĐ đã gặt hái được những thành quả to lớn. Ở giai đoạn 1969-1974, số con trung bình của một phụ nữ có chồng là 6,1. Hiện nay, về cơ bản mục tiêu mỗi gia đình chỉ có 2 con đã đạt được và quy mô DS là 87,3 triệu người. Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu không thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ thì năm 2010, số dân đã là 104,4 triệu người. Ông làm phép tính, giả sử quy mô DS ở mức đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn đạt 101,6 tỷ USD thì GDP bình quân đầu người chỉ là 973 USD chứ không phải 1.168 USD như đã công bố tại Đại hội Đảng lần thứ XI và nước ta vẫn nằm trong tốp các nước kém phát triển, thu nhập thấp. Người đứng đầu ngành DS khẳng định: "Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta đã đạt được các mục tiêu DS nói chung và khống chế được quy mô DS nói riêng, giúp Việt Nam gia nhập nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Chỉ một chỉ tiêu này thôi đã cho thấy ý nghĩa cực kỳ lớn lao của công tác DS-KHHGĐ".

Tuy đã đạt mức sinh thay thế, nhưng công tác DS đang phải đối mặt với thách thức mới. Đó là mức sinh có thể tăng trở lại bất kỳ thời điểm nào, dẫn đến nguy cơ bùng nổ DS lần thứ 2. Theo dự báo, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng nhanh và sẽ đạt cực đại vào năm 2020 - 2025; hiện vẫn còn 28/63 tỉnh (chiếm 34,4% dân số cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh một cách bất thường. Bên cạnh đó, nước ta đã bước vào giai đoạn cơ cấu DS già ngay từ năm 2010 dù theo dự báo trước đó thời điểm xảy ra điều này là vào năm 2015 khiến nước ta phải đối mặt với tình trạng "chưa giàu đã già". Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe một người cao tuổi tốn gấp 8 lần chi phí chăm sóc một đứa trẻ. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA thì chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Các khoản tiết kiệm này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đầu tư nâng cao chất lượng DS, TS Dương Quốc Trọng cho biết.

Nguồn lực - dữ kiện giải "bài toán mẹ"

TS Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, DS là bài toán tổng thể, "bài toán mẹ" của tất cả "bài toán con" như cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá giao thông; an ninh lương thực, thực phẩm; giáo dục, đào tạo; y tế, khám bệnh, chữa bệnh; lao động, việc làm; môi trường, nước sạch nông thôn, miền núi. DS còn là bài toán của xóa đói, giảm nghèo; bài toán của an sinh xã hội, cứu trợ xã hội... Khi xây dựng một chính sách của một lĩnh vực nào đều phải tính đến tác động của quy mô, chất lượng và cơ cấu DS.

Chính vì thế, bên cạnh mức chi của ngân sách nhà nước cho công tác DS ngày càng lớn thì UNFPA cũng liên tục tăng tài trợ cho chương trình DS-KHHGĐ. Ví dụ, giai đoạn 1992-1995, chỉ trong 3 năm, mức chi từ ngân sách đã tăng gấp 10 lần, từ 29 tỷ đồng/năm lên 285 tỷ đồng/năm. Chu kỳ 1978-1991, UNFPA đã tài trợ cho chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam tới 51 triệu USD và chu kỳ 1992-1995 tài trợ tiếp 25 triệu USD nữa; các tổ chức quốc tế khác cũng bổ sung thêm 11 triệu USD. TS Bùi Ngọc Thanh đánh giá, "phải có đầu tư vật chất đủ "lực" như vậy thì mới đem lại kết quả khả quan như chúng ta đã đạt được". Tuy nhiên, dù đến năm 2010 công tác DS-KHHGĐ đã được chi đến 870 tỷ đồng nhưng "bài toán tổng thể" này vẫn thấp xa so với nhiều "bài toán cụ thể", ví như chỉ bằng 50% chi cho văn hóa thông tin. "Giai đoạn 2011-2015, các mục tiêu đều có quy mô lớn và độ phức tạp cao, cho nên theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, ngân sách chi cho công tác DS-KHHGĐ năm sau phải bằng 1,3 đến 1,4 lần so với năm trước", TS Bùi Ngọc Thanh khẳng định.

Không chỉ cần một chương trình MTQG, công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn tới còn cần được đầu tư mạnh mẽ hơn để vượt qua những thách thức, đó là điều không còn phải bàn cãi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ bùng nổ dân số lần hai vẫn chực chờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.