(HNM) - Căng thẳng giữa Nga và Phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine tiếp tục leo thang khi Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước đồng minh đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung với Mátxcơva trong 24 giờ qua.
Ngày 29-4, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ không cấp thị thực cho 23 công dân Nga, trong đó có cả các quan chức chính phủ do xứ Bạch dương không có hành động cụ thể nhằm làm giảm căng thẳng ở Ukraine. Động thái của Tokyo được nối tiếp ngay sau khi Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào 7 quan chức và 17 công ty của Nga được cho là nhóm "thân cận" của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, EU quyết định đóng băng tài sản và cấm thị thực với 15 quan chức Nga. Tiếp bước Mỹ, Canada cũng cấm vận 2 công ty và 9 cá nhân.
Căng thẳng tiếp tục bùng phát ở các tỉnh miền Đông Ukraine là một lý do khiến phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga. |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ và các đồng minh có thể đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế Nga trong vòng 12 tháng tới lên tới 50%. Nhận định này trùng hợp với dự đoán của Bộ trưởng Tài chính Nga khi cho rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể tăng trưởng dưới 0,5% hoặc thậm chí không tăng trưởng. Hiện tại, các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại cho cổ phiếu của các công ty bán lẻ do doanh số cho vay tiêu dùng liên tục giảm. Trong khi đó, lượng vốn chảy khỏi Nga trong quý I năm nay đã lên tới 50,6 tỷ USD so với 27,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang tại Ukraine, lượng vốn chảy khỏi nền kinh tế Nga được dự báo sẽ còn tiếp tục. Nguy cơ giảm giá nội tệ cũng là một mối quan tâm bởi từ đầu năm đến nay, đồng rúp đã sụt 8,4% so với USD và là đồng tiền kém thứ 2 trong số 24 đồng nội tệ của các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, đòn trừng phạt mới do phương Tây áp đặt với Nga không chỉ gây ảnh hưởng một chiều với Mátxcơva mà còn có thể tác động ngược cho kinh tế Mỹ và EU. Theo nhiều nhà phân tích, các tập đoàn lớn của Châu Âu sẽ không ngồi yên trước các lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Đơn giản vì Châu Âu vẫn đang cần Nga như một thị trường tiêu thụ lẫn nguồn cung năng lượng để phục hồi kinh tế. Cấm vận chỉ khiến Nga tẩy chay hàng Châu Âu; đồng thời buộc Mátxcơva phải tìm kiếm đối tác thương mại mới để thay thế. Nói một cách cụ thể, với việc hậu thuẫn chính phủ tạm quyền Ukraine, trong ngắn hạn, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) có thể được hưởng lợi từ các hợp đồng tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với Kiev, các tập đoàn tài chính của EU cũng có cơ hội mua lại các công ty, tập đoàn công nghiệp của Ukraine với giá "bèo"; nhưng đồng thời cũng mất đi nguồn cung giá rẻ từ thị trường Nga và mất luôn cả một thị trường tiêu thụ rộng lớn đang khát hàng này. Như vậy, thị trường EU khó có thể sôi động trở lại trong tương lai gần.
Chưa kể, các nhà đầu tư và lãnh đạo các nền kinh tế cũng phải cân nhắc ảnh hưởng của sự kiện này đối với kinh tế toàn cầu. Theo hãng phân tích tài chính Bloomberg, có khoảng 100 tỷ USD bị "bốc hơi" khỏi thị trường tài chính Nga chỉ trong mấy ngày đầu tháng 4. Thị trường chứng khoán Nga cũng sụt giảm tới 11%, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hiệu ứng giảm điểm sẽ lây lan sang các thị trường khác. Và không phải chờ đợi lâu, chứng khoán Mỹ đã lao dốc, các nhà đầu tư Châu Á đã bán tháo, một loạt chỉ số của khu vực đều giảm điểm khiến các thị trường tài chính hàng hóa, tiền tệ chao đảo...
Rõ ràng, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay thì bất kỳ biến động chính trị, kinh tế - tài chính nào cũng tác động đến khu vực và toàn cầu. Với vị thế địa - chính trị vốn có, Ukraine hiện đang "kẹt" giữa hai chiến lược "hướng Đông" của NATO và chính sách "Á - Âu" của Nga, khiến cuộc khủng khoảng ở nước này đã, đang và sẽ tác động lớn đến nền tài chính - kinh tế toàn cầu, nhất là sự bất ổn và hiệu quả thấp của dòng vốn quốc tế. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, nếu các chính trị gia quốc tế không sớm nhận ra tác động tiêu cực đa chiều đang diễn ra thì nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc trên thế giới với những hậu quả khôn lường là khó có thể tránh khỏi.
Nga nỗ lực đáp trả lệnh trừng phạt mới Sau lệnh trừng phạt bổ sung của phương Tây, ngày 29-4 Nga đang nỗ lực đáp trả lệnh trừng phạt mới được Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt nhằm chống lại Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nguồn tin Interfax dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho biết: "Sau làn sóng trừng phạt thứ hai, Chính phủ (Nga) đang soạn thảo các biện pháp đáp trả, đầu tiên là đánh giá nguy cơ thiệt hại đối với nền kinh tế của chúng tôi. Các vụ tấn công bất lợi như vậy không thể diễn ra mà không bị đáp trả và tôi tin rằng chắc chắn phải có sự đáp trả". Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Mỹ đang tìm cách khôi phục chính sách "Bức màn sắt" đồng thời cho rằng quyết định trừng phạt mới nhất của Washington liên quan tới Ukraine sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghệ cao của Nga. Nga sẽ trả đũa bằng một loạt biện pháp "gây đau đớn" đối với Washington. Ông Sergei Ryabkov khẳng định những hạn chế mà Mỹ vừa tuyên bố áp đặt với Nga đã đánh dấu việc quan hệ hai nước trở lại thời Chiến tranh lạnh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.