(HNM) - Cuộc chiến tại Libya đã kết thúc. Cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi và việc thành phố Sirte, cứ điểm cuối cùng của các tay súng trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ thất thủ đã đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi...
Lực lượng NTC ăn mừng sau cái chết của ông M. Gaddafi.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng cái chết của ông Gaddafi đã "đánh dấu một sự chuyển tiếp lịch sử tại Libya" và hối thúc tất cả các bên liên quan "hạ vũ khí trong hòa bình". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Washington sẽ trở thành đối tác của Libya và sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại quốc gia Bắc Phi "sẽ sớm kết thúc". Còn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - nhà lãnh đạo quốc gia dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự tại Libya cho rằng hiện tại là thời điểm để đất nước Libya tiến hành "hòa giải trong sự thống nhất và tự do". Tổng thống Nga Dmitry Mevedev bày tỏ hy vọng hòa bình sẽ trở lại với Libya. Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố dỡ bỏ quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Libya... Đó là những thuận lợi mà NTC có được trong thời điểm này. Đó cũng là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với mong muốn Libya sớm hòa bình, thịnh vượng.
Thực tế, thời gian qua, NTC đã đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực ngoại giao. Ngoại trưởng Anh William Hague đã đến Tripoli và mở lại Đại sứ quán Anh ở nước này. Thủ tướng Pakistan Syed Yusuf Raza Gilani cũng thông báo Islamabad sẽ công nhận chính phủ mới ở Libya. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ngày 18-10, đã có chuyến công du bất ngờ tới Libya nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước và cung cấp các khoản viện trợ của Washington cho Tripoli. Cùng ngày, NATO đã trao lại không phận trên thành phố Benghazi ở miền Đông cho nhà chức trách Libya. Quyết định này đánh dấu bước đi đầu tiên của quá trình từng bước chuyển giao toàn bộ trách nhiệm về không phận cho NTC, cho phép chính quyền mới của Libya bắt đầu quá trình tái thiết đất nước...
Tuy nhiên, chặng đường phía trước với NTC vẫn còn nhiều thách thức. Đó là thảm họa nhân đạo. Hiện tại, các bệnh viện gần Bani Walid đã tiếp nhận nhiều thường dân trong tình trạng bị thương nặng, suy kiệt vì bị kẹt giữa hai làn đạn. Tình hình ở Sirte cũng như một số khu vực của đất nước cũng không mấy khả quan.
Cuộc chiến Libya đã kết thúc, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy đất nước này đang đối mặt với một thời kỳ bất ổn mới. Trước và sau cái chết của ông M.Gaddafi, "mọi niềm hy vọng và mọi câu hỏi vẫn không thay đổi". Các nhà phân tích cho rằng, ông M.Gaddafi có thể là chất kết dính giúp tăng cường sự thống nhất của phe chống đối, nhưng chất kết dính đó nay không còn nữa. Trong khi đó, tương lai chính trị của Libya thực tế "không thay đổi" sau cái chết của vị đại tá này.
Điều được trông đợi với chính phủ mới của đất nước của các bộ lạc trong bối cảnh hiện nay là sự đoàn kết và hòa giải dân tộc. Nhưng trớ trêu, điều này lại giống như vị thuốc quý, khó tìm. Mặc dù chiến đấu cùng nhau suốt nhiều tháng, nhưng các lực lượng của NTC sẽ khó có sự phối hợp hiệu quả khi hòa bình trong tầm tay. Các vụ "bắn nhầm" luôn xảy ra khiến các chiến binh của lực lượng này có lúc đã xung đột sâu sắc. Đoàn kết nội bộ của các tay súng NTC vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một vòng xoáy xung đột chính trị, giành quyền lãnh đạo đang diễn ra trong nội bộ NTC. Phát biểu tại Hội nghị các lực lượng nổi dậy bàn về việc thành lập nhà nước mới trên cơ sở luật pháp, ngày 18-10, Thủ tướng tạm quyền của Libya Mahmoud Jibril đã thừa nhận, NTC đã chuyển từ nội chiến sang xung đột nội bộ. Dư luận lo ngại đất nước Libya thời hậu M.Gaddafi có nguy cơ rơi vào một cuộc tranh giành quyền lực giữa các bộ tộc cũng như các nhân vật tự do...
Cuộc chiến Libya đã hạ màn - trên bình diện quân sự đối kháng - sau cái chết của một thủ lĩnh; nhưng xem ra điều đó chưa thể ngay lập tức mang lại sự ổn định và thịnh vượng như mong muốn của người dân quốc gia Bắc Phi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.