(HNM) - Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) giai đoạn 2016-2020 cần tới hơn 1 triệu tỷ đồng.
Đây là con số rất lớn, trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ khoảng 28%. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp trọng yếu vẫn là đẩy mạnh xã hội hóa (XHH), tuy nhiên phải đồng thời khẩn trương hoàn thiện chính sách và có biện pháp hạn chế rủi ro.
Nguồn vốn đầu tư đang giảm
Chủ trương XHH đầu tư phát triển kết cấu HTGT đã đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, mức huy động năm 2013 đạt 68.563 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cả thời kỳ những năm 2012 trở về trước (49.605 tỷ đồng). Năm 2014, số vốn thu hút đạt 42.572 tỷ đồng, dự kiến con số này trong năm 2015 khoảng hơn 45.000 tỷ đồng, nâng tổng mức vốn XHH lên hơn 200.000 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng loạt dự án, công trình giao thông được hoàn thành.
Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn trong đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là giải pháp hiệu quả. Ảnh: nam khánh |
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đầu tư HTGT trong các giai đoạn sắp tới đang đối mặt với thách thức rất lớn có thể gây cản trở đến toàn bộ kế hoạch triển khai do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GT-VT) cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển HTGT trong giai đoạn 2016-2020 cần tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách chỉ khoảng 28%, thậm chí theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn này chỉ gần 7%.
Khơi thông nguồn vốn: Cách nào?
Để khơi thông nguồn vốn, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trước hết Việt Nam cần có một chiến lược phát triển HTGT cụ thể với việc xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình đầu tư. Việc công bố thứ tự ưu tiên và lộ trình đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm biết được thông tin và lên kế hoạch chuẩn bị năng lực cũng như đấu thầu dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Vịnh (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất, với xu hướng ODA giảm dần, khu vực tư nhân được kỳ vọng như là nguồn lực vốn thay thế hiệu quả cho phát triển hạ tầng. Do đó cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến các mô hình có sự tham gia của khu vực tư vào cung cấp, bảo đảm các dịch vụ công, qua đó giảm sức ép về việc bảo đảm NSNN cho cung cấp các dịch vụ này thông qua việc huy động nguồn vốn của khu vực tư. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Khẳng định vốn tín dụng ngân hàng luôn sẵn sàng là một kênh hiệu quả để phát triển kết cấu HTGT, ông Nguyễn Tiến Đông (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến hết năm 2014, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng cho đầu tư kết cấu HTGT là 114.837 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 68.675 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 tới nay, một số ngân hàng thương mại tài trợ lớn cho các dự án BOT, BT giao thông cho thấy các ngân hàng tiếp tục đầu tư vốn vào lĩnh vực này tăng cao. Tuy nhiên, việc cấp vốn tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư HTGT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém; nhiều dự án bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng dẫn tới chi phí lãi vay tăng, ảnh hưởng tới hiệu quả dự án và khả năng trả nợ. Ngoài ra còn các rủi ro liên quan đến chất lượng công trình, nguồn thu phí…
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án HTGT, các bộ, ngành liên quan cần công bố rộng rãi về các dự án cần "gọi" vốn đầu tư, tình hình thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... thông qua đó lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng thu xếp đủ vốn tự có để đầu tư dự án; các bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng... để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, bảo đảm tiến độ và hiệu quả của các dự án, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án giao thông; có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như kéo dài thời gian thu phí trong một số rủi ro khách quan làm tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án. Đặc biệt, Bộ GT-VT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt về tiến độ, chất lượng công trình để không xảy ra hiện tượng công trình vừa đi vào hoàn thiện đã có hiện tượng bị lún, nứt... để bảo đảm dòng tiền được sử dụng đúng mục đích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.