Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn vốn ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Tiến Thành| 10/03/2022 16:44

(HNMO) - Chiều 10-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29-11-2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Mới hoàn thành 86,1% toàn tuyến

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362km/2.744km (đạt 86,1%) và khoảng 258km tuyến nhánh; đang thực hiện 211km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171km của 3 đoạn.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến (giai đoạn quy mô 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Đến năm 2020, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến là 88.400 tỷ đồng, đã huy động được 62.316 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2021-2025, đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, vốn ODA). Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến sẽ hoàn thành các dự án đã bố trí vốn, đang triển khai dở dang dài khoảng 211km; đầu tư các đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài khoảng 267km; đầu tư 2 đoạn dài khoảng 83,5km (dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận) và chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến dài khoảng 87,5km. Với dự kiến đầu tư nêu trên, đến năm 2025 sẽ bảo đảm thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.

Từ thực tế trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 2 dự án có chiều dài 83,5km với tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng và chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu đặt ra khi trong 5 năm (2017-2021) chỉ triển khai được khoảng 8% tổng khối lượng. Về nguồn vốn, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn và phải dành nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng khác, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có phương án cân đối nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phạm vi vốn đầu tư công trung hạn bằng nguồn ngân sách nhà nước đã được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thành 3 dự án thành phần nói trên nhằm nối thông toàn tuyến.

Rút kinh nghiệm về tiến độ dự án

Trao đổi tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần rà soát lại các dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 trùng với dự án quy hoạch mới, tuyến đường mới để có tích hợp, đấu nối; còn những dự án cần thực hiện thì tiếp tục đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu.

Về hình thức đầu tư các dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu thực tế có nhiều dự án giống nhau gây khó khăn trong thu hồi vốn cho các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; một số tuyến đường có khả năng thu hút nhà đầu tư thì lại được thực hiện theo phương thức đầu tư công và ngược lại, gây lãng phí nguồn lực.

Nhận định việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh chưa thực hiện đúng kế hoạch hoàn thành vào năm 2020, để bảo đảm tiếp tục triển khai, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề xuất ban hành nghị quyết riêng của Quốc hội về đầu tư xây dựng các đoạn còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm tới tuyến đường Hồ Chí Minh. Bộ đã xác định 2 tuyến đường quan trọng nhất đất nước gồm quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh với ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, tiến độ tuyến đường Hồ Chí Minh thực hiện chậm, nguyên nhân chính vẫn là nguồn vốn. Trong đó, trước năm 2016, chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng do khủng hoảng kinh tế, chúng ta ban hành nghị quyết để kiềm chế lạm phát. Do đó, một số dự án phải dừng lại, đầu tư ít hơn vì kinh tế khó khăn chung của đất nước khiến các dự án giao thông bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị rút kinh nghiệm trong việc không bảo đảm tiến độ dự án, đồng thời thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận kế hoạch triển khai dự án tại kỳ họp thứ ba.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo theo hướng chỉ thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang để quyết toán dự án theo quy định. Với các đoạn, tuyến còn lại, Chính phủ cần rà soát nhu cầu, hiệu quả đầu tư, sự phù hợp khả năng cân đối của ngân sách, khả năng huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện từng đoạn, tuyến, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.