(HNMCT) - Có thể khẳng định, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là "vốn" di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều nhân tố giàu năng lực sáng tạo, đặc biệt là có nhiều nghệ nhân giỏi trong việc truyền dạy, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đây được coi là lợi thế, là “nguồn vốn”, nguồn “tài nguyên” quan trọng để khơi nguồn “mỏ vàng” di sản, từ đó phát huy tiềm năng di sản văn hóa sẵn có nhằm phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Những “sứ giả” thầm lặng
Khi sản phẩm đầu tay là bộ y phục thời Lê hoàn thành, những người đặt nền móng đầu tiên cho Đại Việt Cổ Phong như Phan Huy Lê, Cù Minh Khôi, Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Thị Ngọc Huyền... chỉ nghĩ rằng mình đã hoàn thành một bộ trang phục thời Lê hoàn chỉnh đúng như những gì đã có cách đây hàng trăm năm. Với họ, được ngắm nhìn đường nét, cách thức may đo mà người xưa đã từng làm... là đã thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm rồi. Họ không ngờ, từ thành công ấy, việc phục hưng văn hóa đã trở thành một trào lưu, từ đó xuất hiện thêm nhiều nhóm mới, hội mới có chung một mong muốn: Đưa những nét đẹp cổ xưa trở lại đời sống đương đại.
Giờ đây, di sản dưới góc nhìn của những người trẻ không còn là điều gì đó trừu tượng và xa vời mà đã được cụ thể hóa, rõ hình hài. Cũng từ đây, những cái tên như Ỷ Vân Hiên, Đông Phong Cổ Phục, Thủy Trung Nguyệt, Đại Việt Phong Hoa... được nhắc đến như một minh chứng cho hành trình lội ngược dòng trở về quá khứ, đánh thức những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.
Không chỉ đào sâu nghiên cứu, khôi phục gần như nguyên vẹn, giá trị của di sản còn được lồng ghép vào những sản phẩm hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống mới, kéo gần khoảng cách giữa những điều xưa cũ và mới mẻ. Điều đó đã được chứng minh qua cách làm của NTK Cao Minh Tiến với bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ dân ca quan họ, hay như NTK Lê Ngọc Hân lấy cảm hứng sáng tác bộ sưu tập áo dài từ tranh dân gian Hàng Trống...
Năm 2021, tại Tuần lễ thiết kế Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Đánh thức truyền thống”, có rất nhiều tác phẩm dự thi lấy cảm hứng từ di sản văn hóa. Trong 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giải Nhất thuộc về sản phẩm “Khứ hồi” của tác giả Lưu Như Ngọc với chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng, từ đó ghép khối để tạo ra các họa tiết lấy ý tưởng dựa trên nét nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám như hoa sen, rùa đội bia... Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật đã sử dụng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với đời sống đương đại, hấp dẫn người xem, chẳng hạn như các chương trình của Nhà hát Múa rối Thăng Long, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ...
Dù rất khác nhau về tính chất, quy mô, nhưng những ví dụ nêu trên đều có một điểm chung, đó là dưới bàn tay, khối óc sáng tạo của con người, di sản văn hóa đang ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách.
Đối mặt với thách thức
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021” (ngày 12-9, tại Bảo tàng Hà Nội), Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: "Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì việc phát huy tiềm năng dựa trên nguồn nhân lực sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa cũng đứng trước những khó khăn. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng nhưng chất lượng qua đào tạo còn thấp, không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn khiêm tốn. Đặc biệt là trong những năm gần đây, một số ngành nghề của các trường đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào khi lượng thí sinh đăng ký sụt giảm, không ổn định qua các năm, nhất là đối với ngành đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, xiếc... Sau khi ra trường, chính sách thu hút, đãi ngộ, bồi dưỡng, nâng đỡ, định hướng con đường phát triển tài năng chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám...”.
Nguyễn Thị Ngọc Huyền, thành viên Ban cán sự của nhóm Đại Việt Cổ Phong, khẳng định: “Các cá nhân và đơn vị làm văn hóa nói chung đang đối mặt với khá nhiều thách thức như nguồn nguyên vật liệu khan hiếm và đắt đỏ. Với các đơn vị khôi phục cổ phục hiện nay, việc tiếp cận nguồn nguyên liệu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cao, chủ yếu do đây là các mặt hàng không còn được ưa chuộng trong thời hiện đại. Thời gian để tạo ra một sản phẩm là rất lâu và công sức bỏ ra là rất lớn, do đó, giá thành của các loại vải này đắt hơn bình thường từ 3 - 5 lần. Cũng do giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm truyền thống rất cao nên khó có thể hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến phần lớn đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình khó tiếp cận. Bên cạnh đó, do tâm lý "sính ngoại" nên nhiều người chưa mở lòng với những sản phẩm mang yếu tố truyền thống... Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của giới sáng tạo, những người đang trực tiếp đưa di sản quay trở lại đời sống như chúng tôi”.
Đối với Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm CLB "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương", khó khăn của họ chính là làm sao để truyền cảm hứng, tình yêu di sản với những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Mỗi người tìm đến nghệ thuật truyền thống với những mối quan tâm khác nhau. Thậm chí, nhiều người đến với nghệ thuật truyền thống giống như một cuộc chơi, đánh giá di sản là cái gì đó khá hàn lâm, xa vời... Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc gây dựng nguồn nhân lực cho công cuộc đưa di sản trở lại cuộc sống đương đại”.
Để làm sống dậy các giá trị cổ truyền
Mặc dù trong thời gian gần đây chính sách phát triển nhân lực ngành công nghiệp văn hóa luôn được quan tâm, chú trọng, nhưng so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mục tiêu đề ra.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, để khắc phục những bất cập, tạo nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo để phát huy những mặt tích cực, hạn chế khó khăn vướng mắc, tạo “nguồn vốn đầu vào” ổn định cho công nghiệp văn hóa phát triển. Tiếp đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn lực sáng tạo, từ đó ban hành cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng văn hóa nghệ thuật; có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến đóng góp của họ, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Cần đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật...
Cụ thể hơn, Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm CLB "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" khẳng định: Đối với người làm công tác bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị di sản, điều quan trọng là phải hiểu di sản là gì, cũng như hiểu sâu về từng loại hình nghệ thuật để có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ, đối với các làn điệu truyền thống thì phải "ngấm" được giá trị của các làn điệu ấy, để từ đó không hát sai bất cứ một làn điệu truyền thống nào. Đó chính là cách bảo tồn và phát huy di sản một cách hiệu quả.
Di sản chỉ thực sự có giá trị khi nó được tiếp nối và hiện diện trong đời sống hôm nay, trong một dòng chảy luôn luôn tiếp biến. Và trong dòng chảy ấy, không thể thiếu vai trò của con người với bàn tay, khối óc và trái tim luôn nhiệt huyết, đam mê với giá trị truyền thống tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.