Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn nhân lực bảo tàng: Thiếu trước, hụt sau

Minh Ngọc| 28/09/2016 06:19

(HNM) - Nước ta có hệ thống bảo tàng (BT) nhưng điều đó không có nghĩa là nước ta đã có nền BT phát triển, có đội ngũ BT học đúng nghĩa. Nước ta đang thiếu trầm trọng các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, cán bộ giỏi trong các lĩnh vực chuyên môn của BT.

Thiếu hụt toàn diện

Trong xã hội hiện đại, BT không chỉ là “kho” lưu giữ hiện vật, tư liệu, là thiết chế văn hóa đặc thù, mà còn là trường học ngoài giảng đường, là điểm đến du lịch hấp dẫn, mang lại nguồn thu không nhỏ. Để theo kịp đà phát triển, “Quy hoạch hệ thống BT Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, trong đó có nội dung quan trọng là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Ngành BT, xây dựng đội ngũ cán bộ BT có chuyên môn sâu, kỹ năng tác nghiệp giỏi… Sau hơn 2/3 chặng đường thực hiện quy hoạch, hệ thống BT ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng với 123 BT công lập, 31 BT ngoài công lập đang hoạt động, nhưng nguồn nhân lực thì vẫn lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.


Theo thống kê chưa đầy đủ, nguồn nhân lực thuộc hệ thống BT Việt Nam hiện có gần 3.000 người, trong đó, số người có trình độ đại học chiếm hơn 50%, thạc sĩ chiếm 4,5%, tiến sĩ chiếm 1,2%. Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, về số lượng, nguồn nhân lực BT chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Về chất lượng, hệ thống BT đang thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu.

“Một số BT lớn đã có các phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật theo chất liệu. Chẳng hạn, BT Lịch sử Quốc gia có phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật khảo cổ chất liệu đồng và gốm; BT Hồ Chí Minh có phương tiện bảo quản tài liệu giấy, ảnh, vải; BT Mỹ thuật Việt Nam bảo quản tốt các tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa…, nhưng lại thiếu các chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực bảo quản hiện vật. Tình trạng này diễn ra khá lâu rồi”, ông Đặng Văn Bài nói.

Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa chỉ rõ: Không chỉ thiếu về lượng, yếu về chất, nguồn nhân lực BT có sự phân bố không đồng đều, dẫn đến hiệu quả hoạt động không đều giữa các vùng, miền. Những BT lớn hoặc nằm ở các vị trí trung tâm như BT Dân tộc học, BT Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… có 70-90% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ này ở những bảo tàng tỉnh, vùng sâu, vùng xa chỉ chiếm 20-40%.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nhận định: “Đội ngũ cán bộ BT còn rất thiếu, yếu về ngoại ngữ và khả năng cập nhật thông tin khoa học BT nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế trên lĩnh vực này”.

Tăng tính chủ động

Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực BT, ông Phạm Định Phong cho rằng, nước ta mới quan tâm đào tạo bậc đại học Ngành BT từ khoảng 20 năm trở lại đây. Những năm đầu, việc đào tạo này thuộc một chuyên ngành của Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau này chủ yếu do Khoa Di sản văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh thực hiện. Các cơ sở đào tạo khác chưa có những chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về BT nên trong nguồn nhân lực BT hiện có nhiều người được đào tạo từ những chuyên ngành khác…

Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết thêm: Sinh viên chọn học Ngành BT ít hơn các ngành khác. Nhiều người không biết học xong sẽ làm gì. Một số BT, do kinh phí hạn hẹp nên chưa quan tâm đến công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ. Hơn nữa, mức lương thấp nên không thu hút được cán bộ có nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho sự nghiệp BT.

Khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, một số đơn vị đã chủ động tìm hướng đi riêng và bước đầu gặt hái thành công. Như BT Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây vừa tiến hành tuyển dụng những viên chức mới đã qua đào tạo chuyên sâu, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiện có thông qua việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo trong nước, trao đổi đào tạo với các nước có quan hệ hợp tác… BT Lịch sử Quân sự thường xuyên luân chuyển để một cán bộ có thể làm nhiều công việc khác nhau. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khuyến khích ý tưởng sáng tạo của cán bộ, nhân viên.

“Một số trưng bày chuyên đề gây tiếng vang của BT Phụ nữ Việt Nam trong thời gian qua như “Gánh hàng rong”, “Chốn bình yên”… do các viên chức tập sự đề xuất, thực hiện. Tôn trọng sự sáng tạo của cán bộ, nhân viên là cách làm mang lại hiệu quả trên nhiều khía cạnh, vừa tận dụng được tài năng của nhân viên, vừa giúp họ say mê sáng tạo”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc BT Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.

Có thể thấy, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc các BT chủ động bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực, chủ động xây dựng thương hiệu là hướng đi phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực bảo tàng: Thiếu trước, hụt sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.