Theo đánh giá của Bộ Tài chính ngày 29-1, nguồn hàng hóa cung cấp ra thị trường trong dip Tết không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng “sốt giá”, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng trong dịp Tết.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Tết Nguyên đán Canh Tý diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1-2020 và là tháng cao điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hằng năm.
Các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã diễn ra nhộn nhịp trước Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp. Hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản, do tình hình sản xuất khá thuận lợi. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
Theo thông tin từ các địa phương, nhiều siêu thị đã mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số siêu thị còn mở cửa xuyên Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng trong dịp Tết.
Lý giải việc không xảy ra hiện tượng khan hàng hay giá cả “leo thang”, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy luật hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau Tết Dương lịch và đã tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công, ông Táo), sau đó sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ Tết kéo dài (7 ngày) nên việc mua sắm của người dân đã không bị dồn vào một số thời điểm gây khan hiếm hàng hóa cục bộ, hoặc “sốt” giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.
Sang những ngày đầu năm mới, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa xuyên Tết (chuỗi siêu thị AEON Mall, chuỗi cửa hàng Circle K) để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyền thống mở cửa đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán "lấy ngày" đầu năm. Vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý, hoạt động mua bán hầu như trở lại bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như: Nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước về giá đề ra.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ ... chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. Một số dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống có tăng vào các ngày đầu năm.
Cụ thể, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào nhưng tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết do sức mua tăng. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 20.000-40.000 đồng/kg tùy từng địa phương; giá gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg trong các ngày cận Tết; giá thịt lợn hơi ổn định so với ngày thường, dao động từ 78.000-86.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Những ngày trong Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức như thời điểm cận Tết. Một số chợ dân sinh có tăng giá nhẹ trong ngắn hạn một vài mặt hàng, như thịt bò, thủy hải sản do người bán vẫn ít và các chợ đầu mối hầu hết chưa hoạt động.
Mặt hàng thịt lợn được nhiều người quan tâm vì trong năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Tài chính, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán về cơ bản đủ cung cấp cho thị trường, chủ yếu đến từ hệ thống chăn nuôi nhỏ và các công ty chăn nuôi lớn, nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá đột biến như những tháng trước Tết.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng thực phẩm được người dân ưu tiên sử dụng thay thế cho thịt lợn, như thịt gia cầm; thịt trâu, bò, ngựa; thủy hải sản tươi sống, đông lạnh; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, thủy hải sản tương đối dồi dào do hoạt động chăn nuôi các mặt hàng này đang tăng trưởng tốt, có giá bán tương đối hợp lý.
Theo Bộ Tài chính, nguồn cung thịt lợn trên thị trường tiếp tục được tăng lên trong vài tháng tới vì việc chăn nuôi ổn định, nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường đều chú trọng bình ổn mặt hàng thịt lợn.
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau củ quả, giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày nghỉ Tết, từ mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, tại một số chợ dân sinh ở các thành phố lớn, do người bán không nhiều và đợt mưa vừa qua làm một phần rau củ quả bị nát hỏng.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, giá rau củ quả nhìn chung vẫn ổn định hoặc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường trong những ngày tới do thời tiết thuận lợi cho canh tác trồng rau xanh.
Dịp Tết năm nay, giá dịch vụ trông giữ xe đã được chính quyền các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ hơn. Theo báo cáo của các địa phương, cơ bản giá dịch vụ trông giữ xe vẫn ổn định so với các ngày trước Tết. Tuy nhiên vẫn có một điểm trông giữ xe tự phát đã tăng giá vào đầu năm mới tại các đền chùa lớn với mức tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/xe máy và 20.000-40.000 đồng/xe ô tô so với trước Tết.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhất là đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như cước vận tải, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.