(HNM) - Tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động
Hàng Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn tại siêu thị. |
Trước đó, khi mới thành lập vào năm 1995, tỷ lệ này chỉ là 20%. Đến năm 2008, tỷ lệ hàng Việt mới nâng lên được khoảng 40% và tăng vọt lên 90% từ năm 2009 đến nay. Năm 2010, lượng tiêu thụ hàng Việt trong hệ thống Co.opMart tăng 58%, trong khi hàng ngoại chỉ tăng 22%. Tại hệ thống BigC, hàng Việt cũng chiếm hơn 90%. Ít hơn hai hệ thống siêu thị trên, nhưng tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị Maximax, CitiMart cũng tăng lên rất nhiều.
Tại các chợ, cuộc "đổi ngôi" cũng tiếp diễn khi hàng Việt được nhiều bà nội trợ lựa chọn hơn, nhất là thực phẩm và quần áo - vốn là lĩnh vực mà hàng Trung Quốc vẫn "làm mưa, làm gió" trên thị trường vì giá rẻ, mẫu mã đẹp. Tại chợ An Đông, Tân Bình… trước đây quần áo, giày dép Trung Quốc từng chiếm thị phần áp đảo thì nay chỉ còn khoảng 20%-30%, thay vào đó là các nhãn hiệu của Việt Nam như C&T, Kim Thanh, HT, Mỹ Mỹ, Thanh Thanh… Không chỉ sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi mà sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ, mới xuất hiện cũng được người tiêu dùng lựa chọn. Thậm chí, có mặt hàng Trung Quốc đã phải gắn mác "made in Viet Nam" để đánh lừa người tiêu dùng. Cơ quan Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đã từng phát hiện một số hàng thực phẩm khô như táo khô, me, xí muội, bánh kẹo... của Trung Quốc được gắn mác Việt Nam để bán tại các chợ.
Hàng Việt đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, để thực sự chiếm lĩnh thị trường nội địa thì con đường phía trước còn rất dài. Câu chuyện một nước nông nghiệp nhưng phải nhập ngoại cả cây tăm tre, hạt muối như ở Việt Nam cho thấy chủ thể của cuộc vận động là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chứ không phải người tiêu dùng. Bà Bùi Hạnh Thu chia sẻ, trong thời gian qua SaigonCo.op luôn tạo điều kiện để trưng bày, giới thiệu hàng Việt ở vị trí tốt nhất trong hệ thống phân phối của mình. Bên cạnh đó là những đợt khuyến mãi cho riêng hàng Việt và những chuyến hàng lưu động về phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, bà con nông dân vùng sâu, vùng xa… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để người Việt tin dùng là các doanh nghiệp sản xuất phải tăng cường cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, giá thành để người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng thừa nhận, cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" là "cơ hội vàng" cho hàng Việt, nhưng doanh nghiệp có phát triển được hay không tùy thuộc vào việc tận dụng cơ hội đó. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Mười cho biết, trong năm 2010 và Tết Tân Mão 2011, Vissan rất khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 16% đến 35% nhưng giá bán không tăng (đã cam kết giữ giá trong chương trình bình ổn). Điều đó buộc Vissan phải cải tiến công nghệ, sắp xếp lao động nâng cao năng suất để bù vào chi phí sản xuất. Kết quả, dù bán giá thấp hơn thị trường nhưng nhờ năng suất tăng, sản lượng tăng nên tổng lợi nhuận không giảm. Cũng nhờ sản phẩm phù hợp, giá tốt mà thị phần của Vissan đã tăng mạnh, hiện chiếm 35% thị trường thực phẩm chế biến của cả nước, 30% thị trường thực phẩm tươi sống tại TP (trước đây là 15%-20%).
Tuy nhiên, có một thực tế là hàng Việt được ưa chuộng chỉ ở phân khúc trung bình và thấp với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Những mặt hàng cao cấp ở các trung tâm thương mại lớn, hàng điện máy… vẫn thuộc về các nhãn hàng nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, trong năm 2011 TP sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn và ban hành chính sách thích hợp cho các doanh nghiệp sản xuất và các hệ thống phân phối. Vấn đề còn lại, tự mỗi bản thân doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực để cạnh tranh. Bà Hà khẳng định, ưu tiên không phải là chiếu cố, mà trên cơ sở hàng Việt cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Chỉ có như thế, hàng Việt mới củng cố, xây dựng được vị trí vững chắc trong người tiêu dùng Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.