Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của nhiều người Việt đã lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.
Một kết quả khảo sát năm 2015 trong Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) khiến chúng ta phải giật mình lo lắng. Đó là “mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới 24 triệu đồng”. Chỉ có khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh tố cáo hành vi này.
Thói quen “đút tiền-ăn tiền” đã ăn quá sâu vào tâm thức, hành động của nhiều người Việt. Đơn cử một hành động vi phạm an toàn giao thông, nếu bị CSGT phát hiện, thay vì để vị cảnh sát đó viết hóa đơn phạt thì người vi phạm lại van vỉ, xin xỏ, tìm các mối quan hệ quen biết để can thiệp… và có thể “dúi” cho ông cảnh sát một số tiền ít hơn tiền phạt một chút. Như thế vừa nhanh, gọn lại lợi đôi đằng! Mặc cho kỷ cương pháp luật bị xem nhẹ.
Hoặc một chuyện khác cũng liên quan đến rất nhiều người, đó là xin học cho con. Ai cũng kêu ca vì tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào các lớp đầu cấp. Một nguyên nhân có từ sự vòi vĩnh của những người làm công tác tuyển sinh nhưng cũng có phần không nhỏ tại các bậc phụ huynh. Để con em mình chắc ăn được vào trường, cứ “đấm” vài “củ” (triệu) hoặc vài chục “củ” là yên tâm.
Chính vì có cuộc đua về giá cả chạy chọt nên mới có chuyện một suất vào trường A năm nay giá này, sang năm sẽ tăng lên mức khác. Nếu các vị cứ để con em mình dự thi tuyển, phỏng vấn bình đẳng, không lo lót thì làm gì có chuyện tiêu cực. Để các con thi cử một cách công khai, minh bạch còn là yếu tố giúp cho chất lượng giáo dục phát triển.
Nhưng nói thì dễ chứ sống trong một xã hội nhan nhản chuyện chạy vạy, đút lót, nhờ vả, ai dại không làm để đến lúc lại hối không kịp.
Nhiều vụ tham nhũng, tham ô lớn thì đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, thực trạng nhức nhối hiện nay là “tham nhũng vặt”. Vặt vãnh nhưng lại phổ biến nên khiến người dân hay bất cứ ai khi đến “cửa quan” đều thấy lo lắng. Đặc biệt là những người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, họ thấy rất sợ và ngại mỗi khi phải đi làm giấy tờ liên quan đến cơ quan công quyền.
Ngay giữa Hà Nội và các thành phố lớn, việc “đút” vài trăm ngàn đồng cho cán bộ để được “làm nhanh, lấy sớm” một số thủ tục giấy tờ không còn là chuyện hiếm lạ. Quốc hội và Chính phủ thì ra sức tìm cách giảm các thủ tục hành chính cho dân trong khi ở cơ sở thì tìm đủ mọi kẽ hở để hành dân. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng thốt lên rằng: “Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm. Quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì? Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa”.
Và trong nhiệm kỳ công tác của mình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách nghĩ “Hà Nội không vội được đâu”.
Nếu trong một xã hội ai cũng muốn mua sự yên tâm, chắc ăn bằng tiền mà không phải bằng năng lực thực sự thì sẽ không thể có động lực cho sự phát triển. Đồng tiền che lấp hết tài năng thì sẽ không có con người tài năng thực sự để làm việc. Cái vòng luẩn quẩn ấy tất yếu sẽ kéo lùi sự phát triển của xã hội. Nó cũng khiến bất kỳ ai khi đến cơ quan công quyền làm việc cũng nơm nớp lo sợ bị phiền hà, sách nhiễu mà không có sự kính trọng, thoải mái.
Một vòng luẩn quẩn muôn đời không thoát được nếu vẫn tồn tại cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức như hiện nay, dựa chủ yếu vào “tiền tệ và quan hệ”. Điều này dẫn đến việc khi vào được hệ thống công quyền thì người đó lại ra sức kiếm để “hồi vốn” và làm giàu. Thực tế, theo kết quả khảo sát trong PAPI, người dân trên toàn quốc cho rằng, tình trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến hơn trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế hơn.
Trong phiên họp đầu tiên, ngay sau khi Chính phủ được Quốc hội kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ chúng ta không để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu tràn lan trong xã hội. Điều chúng ta hoàn toàn làm được, là sức mạnh của chúng ta, đó là kỷ cương phép nước ở cơ quan hành chính và trong nhân dân”. Với quyết tâm này, hy vọng những điểm “đen” trong PAPI năm nay sẽ sáng dần lên trong báo cáo năm tới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.