Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người trông coi di tích đang "bị bỏ rơi"!

Nguyễn Thanh| 10/09/2017 07:42

(HNM) - Với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ấy có phần đóng góp không nhỏ của những người ngày đêm coi sóc, bảo vệ di tích.

Di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) luôn sạch đẹp.Ảnh: Thái Hiền


Lặng thầm cống hiến

Sau hơn hai mươi năm coi sóc Lăng đá Quận Vân (Nỏ Bạn, Vân Tảo, Thường Tín), đưa di tích quốc gia này từ một nơi hoang vu, cỏ dại trở thành địa chỉ khang trang, sạch đẹp, những năm trở lại đây, ông Trương Văn Tuân (90 tuổi) đã được địa phương hỗ trợ chế độ trông coi di tích với số tiền 60 nghìn đồng/tháng.

Ông Tuân phấn khởi: Nhiều, ít không quan trọng bằng tấm lòng địa phương dành cho những người “vác tù và hàng tổng” như chúng tôi. Tôi cũng biết nhiều nơi do khó khăn, rồi cả vì thiếu quan tâm mà người trông coi, bảo vệ di tích vẫn chưa được động viên, khích lệ khi tham gia công tác này.

Nhận xét của ông Trương Văn Tuân đúng với thực tế tại huyện Thường Tín cũng như rất nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường cho biết: Trong 440 di tích trên địa bàn huyện, số di tích có người trực tiếp trông coi, được làng, xã hỗ trợ chế độ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do, dù được phân cấp chi trả chế độ theo Quyết định 48/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, song địa phương còn khó khăn, số di tích lại lớn, nên chưa cân đối được nguồn để hỗ trợ.

Cùng chung thực trạng khó khăn trong chi trả chế độ cho người trông coi di tích như Thường Tín là các huyện: Ứng Hòa, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Đông Anh, Phúc Thọ… Điều này dẫn đến tình trạng, gần như 100% người trông coi di tích ở các địa phương kể trên vẫn ngày, đêm đảm trách công việc đèn nhang, bảo vệ di sản chỉ với trách nhiệm, tấm lòng của bản thân.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Phúc Thọ Lê Tiến Hải, nhiều người lặng thầm cống hiến cả đời cho việc trông coi di tích đã và đang dẫn đến tình trạng, khi đối tượng đau ốm, qua đời, địa phương không thể tìm được người thay thế. Ngoài ra, cũng vì chỉ giao việc "suông", không bằng văn bản, không có chế độ động viên, khích lệ, nên sự an toàn của di tích phải trông cả vào tâm huyết, nhiệt tình của người đảm trách. Khi di tích xảy ra hư hỏng, mất mát cổ vật cũng khó có thể ràng buộc trách nhiệm.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán cho hay, không chế độ chi trả, địa phương không thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích như: Có sức khỏe tốt, có hiểu biết về di tích cũng như kiến thức về công tác bảo quản hiện vật...

Quyền lợi gắn với trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia, di tích là tài sản chung của cộng đồng, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân, nên công tác trông coi di tích, bảo vệ cổ vật là rất cần thiết, nhưng đang có nhiều khó khăn, thách thức. Người đảm trách nhiệm vụ này phần lớn là người cao tuổi, không được hướng dẫn về cách thức bảo quản, bảo vệ hiện vật, di tích cũng như không được hưởng quyền lợi rõ ràng từ việc bảo quản hay ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra thất thoát. Đây là một trong những nguyên do khiến tình trạng mất trộm cổ vật còn xảy ra ở nhiều nơi.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh Nguyễn Huy Sơn cho biết: Là địa phương đầu tiên thực hiện chi trả chế độ cho người trông coi di tích với mức hỗ trợ 450 nghìn đồng/người/tháng, cân đối từ nguồn ngân sách, huyện Mê Linh đã kịp thời động viên, khuyến khích người trông coi di tích tâm huyết hơn với công việc. Nhờ đó, số vụ việc xâm phạm di tích trên địa bàn huyện đã giảm hẳn, địa phương cũng kịp thời nắm bắt thực trạng của di tích, từ đó có biện pháp bảo tồn và phát huy phù hợp.

Từ kinh nghiệm của huyện Mê Linh, có thể thấy, việc chi trả chế độ cho người trông coi di tích, dẫu khó, vẫn có thể thực hiện được, nếu địa phương quan tâm. PGS.TS - Nhà nghiên cứu Văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng: Bảo vệ di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Cần phân định rõ trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân tham gia quản lý, trông coi di tích, chứ không chỉ trông vào sự nhiệt tình, tâm huyết của một vài cá nhân. Đi liền với trách nhiệm là chế độ đãi ngộ hợp lý cho lực lượng này, không để tình trạng họ “bị bỏ rơi” như đang diễn ra ở nhiều nơi. Cùng với đó, cần tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức bảo vệ, giữ gìn di sản để công tác này được thực hiện bền vững, hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó huy động sự góp sức của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương, các đơn vị gặp khó trong chi trả chế độ cho người trông coi di tích, trước mắt cần sớm có kiến nghị, tham mưu với chính quyền địa phương cũng như sở, ngành liên quan tìm cơ chế đặc thù, hướng giải quyết thỏa đáng, không để người trông coi di tích chịu thiệt thòi, góp phần bảo tồn, gìn giữ di sản.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trông coi di tích đang "bị bỏ rơi"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.