Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng vẫn lép vế

Văn Ngọc Thủy| 10/09/2011 06:19

(HNM) - Từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) chính thức có hiệu lực nhưng trên thực tế, đến nay sau hơn hai tháng, NTD vẫn chưa hề có thực quyền từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ như hợp đồng sử dụng điện, nước, viễn thông…

Với các hàng hóa đặc biệt nhưng thiết yếu này, dù nhiều điều khoản trong hợp đồng bất lợi nhưng rõ ràng NTD không thể chọn lựa nhà cung cấp khác. Việc phải sử dụng những dịch vụ mang tính độc quyền, áp đặt khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn, bức xúc.

Với các hàng hóa đặc biệt như điện, nước, viễn thông... dù nhiều điều khoản trong hợp đồng bất lợi nhưng NTD không thể lựa chọn nhà cung cấp khác. Ảnh: Nhật Bá

Vẫn bức xúc cũ...

Theo ông Trần Bá Doanh (phường Nam Đồng, Đống Đa), những hợp đồng độc quyền như cung cấp điện, nước, truyền hình cáp, dịch vụ internet… đều được nhà cung cấp soạn sẵn, các quy định trên bản hợp đồng đều do bên bán quy định mà không hề có sự bàn bạc, thảo luận giữa hai bên. Người mua dù có thắc mắc cũng không thể thay đổi được nội dung hợp đồng. Rõ ràng các điều khoản trong hợp đồng đều có lợi cho nhà cung cấp, nếu NTD vi phạm sẽ bị xử lý ngay nhưng nếu chất lượng dịch vụ không tốt thì không biết căn cứ vào đâu để đòi hỏi quyền lợi. Ví dụ như dịch vụ truyền hình cáp, mỗi khu vực một nhà cung cấp "bao sân", không ký hợp đồng với họ thì biết lấy gì mà xem? Rồi tiền sử dụng điện nếu chậm thanh toán 10 ngày là bị cắt điện nhưng nhà cung cấp cắt điện không báo trước, gây thiệt hại đến sản xuất kinh doanh, thậm chí cắt điện oan hàng trăm hộ chỉ vì một vài hộ không nộp tiền thì dân biết kêu ai? Cả việc cung cấp nước sạch mà nước không sạch, hằng tuần không có nước, hay tín hiệu truyền hình cáp gián đoạn, ti vi có cũng như không. Chất lượng dịch vụ kém như thế mà NTD vẫn phải chấp nhận...

Trong một giao dịch khác, dù không mang tính độc quyền, nhưng việc mua bán nhà chung cư thì chủ đầu tư, nhà thầu cũng nắm trọn những điều khoản có lợi. Bà Lê Thị Tám mua căn hộ chung cư trong một dự án nhà ở tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì cho biết, trong hợp đồng ký với Công ty CP Đầu tư bất động sản Thuận Thành, người mua được cam kết về thời gian dự kiến khởi công xây dựng công trình chậm nhất là vào ngày 1-7-2010. Nhưng ngay sau đó lại là điều khoản với nội dung "Bên A cam kết sẽ thực hiện dự án với tiến độ nhanh nhất có thể, tuy nhiên tiến độ có thể thay đổi theo tình hình thực tế. Bên B cam kết sẽ không có bất cứ khiếu nại nào về việc này"! (?). Vì thế thời điểm khởi công dự án hiện đã chậm hơn một năm so với hợp đồng, lô đất thực hiện dự án vẫn bỏ hoang nhưng người mua nhà cũng không thể khiếu kiện chủ đầu tư. Hay ở một dự án khác, nhà thầu yêu cầu tỉ lệ 30% giá trị hợp đồng cuối cùng đóng bằng đô la Mỹ. Nhưng nếu họ chọn thời điểm giá đô la cao ngất ngưởng để yêu cầu bên mua đóng tiền thì đúng là NTD chỉ biết ngửa mặt than trời!...

Dù đã ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng nhiều nơi vẫn thiếu nước sạch. 
Ảnh: Nhật Nam

… và chờ nghị định

Điều 16, Luật Bảo vệ QLNTD quy định: "Hợp đồng giao kết với NTD không có hiệu lực khi loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của NTD; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện hợp đồng đã thỏa thuận; đơn phương xác định NTD không thực hiện một số nghĩa vụ; bắt buộc NTD phải tuân thủ nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không hoàn thành nghĩa vụ của mình…". Đối chiếu với nội dung trên thì rõ ràng một số hợp đồng cung cấp dịch vụ các mặt hàng thiết yếu hiện nay đã vi phạm quy định, cần sửa đổi. Để quản lý những giao dịch này, Điều 19 của Luật Bảo vệ QLNTD cũng quy định: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD. Cơ quan này hoặc tự mình, hoặc theo đề nghị của NTD yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu trong trường hợp phát hiện hợp đồng vi phạm quyền lợi của NTD…". Như vậy, để hạn chế sự độc quyền, Luật Bảo vệ QLNTD đã quy định đối với các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp phải sử dụng các hợp đồng mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý nhằm kiểm soát các điều khoản đưa ra trong hợp đồng phải công bằng, bình đẳng và theo hướng có lợi cho NTD. Điều này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Ngày 6-9-2011, khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về danh mục những sản phẩm hàng hóa thiết yếu phải sử dụng hợp đồng theo mẫu được đăng ký. Về nguyên tắc, tất cả mọi mặt hàng, dịch vụ sử dụng hợp đồng theo mẫu sẽ phải được cơ quan quản lý thẩm định. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu khác sẽ được Thủ tướng ra quyết định riêng. Chúng tôi chưa thể công bố cụ thể đó là những hàng hóa hay dịch vụ nào nhưng dự kiến trong tháng này, Chính phủ sẽ thông qua nghị định hướng dẫn cụ thể nhằm sớm bảo đảm quyền lợi NTD theo quy định của pháp luật...".

Trao đổi với đại diện một số ngành điện, nước, viễn thông về vấn đề này, hầu hết đều cho biết họ mới chỉ nghe "phong thanh" đến quy định mới trong việc quản lý hợp đồng theo mẫu, cụ thể như thế nào thì chưa nắm rõ. Các doanh nghiệp đều đang chờ đợi nghị định hướng dẫn của Chính phủ để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định chứ không ai "cầm đèn chạy trước ô tô". Tuy nhiên một số nhà cung cấp cũng tỏ ra lo ngại là với số lượng khách hàng khổng lồ lên đến hàng chục triệu như ngành viễn thông thì thời gian, kinh phí thực hiện việc chuyển đổi hợp đồng sẽ là rất lớn. Cho dù doanh nghiệp tốn kém hay khách hàng chịu phiền toái như thế nào thì NTD vẫn đang trông đợi rất nhiều vào sự ra đời một nghị định mới của Chính phủ cùng với những văn bản của ngành chức năng, vì từ đó pháp luật về lĩnh vực này mới đồng bộ, mới phát huy hiệu lực của những điều quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng vẫn lép vế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.