Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng phải... thông minh thế nào thì đủ?

Ngân - Khánh| 31/01/2015 07:23

(HNM) - Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bị phát hiện, bắt giữ với quy mô lớn khiến người tiêu dùng (NTD) ngày càng hoang mang để tự bảo vệ, NTD liệu phải... thông minh đến mức nào thì đủ khi các biện pháp của cơ quan chức năng


"Sờ đâu cũng thấy vi phạm"

Có lẽ chưa bao giờ, NTD Việt Nam lại đối mặt tình trạng thực phẩm bẩn nhiều như bây giờ. Những vi phạm trên ngày nào cũng "chiếm chỗ" trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mới đây, ngày 24-1, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã bắt giữ 10 tấn thực phẩm chức năng giả.

Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.


Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ cũng như số cơ sở vi phạm ATVSTP trong năm 2014 vẫn rất lớn. Trong tổng số gần 600.000 cơ sở được kiểm tra, có đến gần 153.000 cơ sở vi phạm (chiếm 22%). Nội dung vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất không bảo đảm. Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% không bảo đảm chất lượng; trong đó, có những mẫu tồn dư ecoli, coliform, bị nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Khi mất lòng tin với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh tư nhân NTD đã chuyển sang các đơn vị cung ứng hàng hóa có uy tín, trong đó phải kể đến chuỗi siêu thị lớn như Metro, Big C với mong muốn chất lượng hàng hóa được bảo đảm. Tuy nhiên, niềm tin của họ cũng bị đánh cắp. Trường hợp điển hình là ngày 20-1, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội đã phát hiện hai siêu thị Big C và Metro bày bán nhiều sản phẩm mập mờ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, được gắn hạn sử dụng từ năm 2014. Điều đáng nói, cũng với vi phạm này, năm 2014, siêu thị Big C đã bị xử phạt 10 triệu đồng!

Thực tế, không chỉ các mặt hàng ăn uống, nhiều hàng hóa tiêu dùng như may mặc, điện máy, vật liệu xây dựng… cũng bị nhập nhằng nhãn mác. Đã có nhiều khuyến cáo, hướng dẫn về cách phân biệt hàng giả, hàng nhái song với thủ đoạn và công nghệ ngày càng tinh vi thì liệu NTD có dễ phân biệt?

Không dễ trở thành người tiêu dùng thông thái

Chị Phạm Thùy Chi (Tòa nhà Vimeco - quận Cầu Giấy) cho biết: Từ lâu, chị và gia đình đã "tẩy chay" siêu thị này bởi các mặt hàng nhập vào đây rất "bát nháo". Rau quả không rõ đơn vị nào sản xuất, đóng gói; thịt gia cầm, gia súc chỉ ghi chung chung là "tươi" chứ không phải "sạch"; bánh mứt kẹo thì bày bán cân mà không rõ doanh nghiệp nào chế biến, doanh nghiệp nào đóng gói và hạn sử dụng đến bao giờ... Chị Chi cho biết thêm, hiện gia đình chị chỉ mua sản phẩm tại các cửa hàng của người quen, có thương hiệu rõ ràng như: Nho, táo Ninh Thuận, gà đồi Phú Thọ… Được biết, như chị Chi, để bảo vệ an toàn và sức khỏe gia đình, nhiều NTD tại Hà Nội cũng chuyển sang xu hướng tiêu dùng kiểu này. Tuy nhiên, có qua các cửa hàng này - từ các cửa hàng được đầu tư công phu đến các quầy hàng khiêm tốn trong các ngõ ngách nhỏ mới thấy sức mua của các bà nội trợ tăng chóng mặt, giá cả cũng đắt hơn các mặt hàng bán ở chợ nhiều nhưng nguồn gốc xuất xứ chỉ được cam kết bằng miệng. Khi mà các cơ quan chức năng còn chưa đủ sức để "sờ" đến các quầy kinh doanh nhỏ lẻ kiểu này thì liệu niềm tin của NTD lại bị đánh cắp?

Trở thành NTD thông thái có dễ? Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa quan điểm: Người dân cần là NTD thông thái, quyết tâm hơn trong việc "tẩy chay" cả những dịch vụ, sản phẩm hàng hóa có giá bán bất hợp lý. Không chỉ cần thông thái trong lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn, NTD cũng cần thông thái khi biết sử dụng quyền của mình.

Tuy vậy, để là NTD thông thái, NTD phải biết cách nhận biết đâu là thực phẩm an toàn. Song đâu phải ai và đâu phải lúc nào NTD cũng tỉnh táo để nhận biết, phân biệt thật - giả. Vả lại, thủ đoạn sản xuất hàng nhái, hàng giả, kinh doanh hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, NTD phải… thông minh đến mức nào mới đủ? Trách nhiệm chủ yếu chính là của các cơ quan quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng phải... thông minh thế nào thì đủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.