Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng chịu thiệt

Hương Ly| 07/08/2010 07:53

(HNM) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm mạnh so với tháng 5-2010. Tuy nhiên, trong  tháng 7 vừa qua, nhiều hãng sữa lại tiếp tục nâng giá bán. Lý giải nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ giá khiến giá nhập khẩu nguyên liệu sữa tăng cao.

Người tiêu dùng chọn mua sữa tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm. Ảnh: Đàm Duy


Vì sao người tiêu dùng thất vọng

Phản ứng mạnh mẽ của dư luận trước những đợt tăng giá sữa diễn ra hồi đầu năm 2010 đã khiến nhiều hãng sữa bột phải cam kết sẽ giữ ổn định giá bán. Và rồi, thông báo tăng giá bán của một số hãng sữa trong những ngày gần đây, một lần nữa khiến người tiêu dùng thất vọng.

Tại một số đại lý, cửa hàng kinh doanh sữa bột trên phố Hàng Buồm, giá nhiều loại sữa bột đã tăng đáng kể.

Chị Đỗ Thùy Hương, một khách hàng mua sữa bột tại phố Hàng Buồm cho biết, trẻ nhỏ thường quen với hương vị sữa mà phụ huynh cho uống từ nhỏ nên rất khó thay đổi. Con chị Hương uống sữa bột nhập khẩu từ nhỏ và mỗi lần các hãng sữa tăng giá, gia đình buộc phải chấp nhận dù mức giá mới có hợp lý hay không. Tại quầy hàng bán sữa Cô gái Hà Lan, một khách hàng mua sữa cho biết đã may mắn lựa chọn sữa bột sản xuất trong nước cho con từ nhỏ, nên ít bị ảnh hưởng trước những đợt tăng giá. Theo chị, sữa bột sản xuất trong nước cũng chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá chung và có điều chỉnh giá theo thị trường, song mức giá điều chỉnh không nhiều. Ngoài ra, giá sữa bột sản xuất tại Việt Nam không quá đắt đỏ, nên khi DN điều chỉnh giá tăng từ 5-10% thì vẫn ở mức đại đa số người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Lý giải việc tăng giá sữa, đại diện Công ty Friesland Campina Việt Nam cho rằng, giá tăng là do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào trong thời gian qua, kể cả biến động tỷ giá. Theo đại diện Công ty sữa Dumex Việt Nam, khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đã khiến giá cả tăng mạnh, nhưng Dumex Việt Nam vẫn cố gắng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, khiến công ty không thể không tăng giá bán.

Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm trung bình vài trăm USD/tấn sau khi đạt đỉnh vào tháng 5. Cụ thể, giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu và châu Úc (những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) đã giảm từ 3.200-3.600USD/tấn hồi tháng 5 xuống mức 2.900-3.150USD/tấn. Sữa bột nguyên kem cũng giảm từ 4.000USD/tấn xuống 3.200-3.600USD/tấn. Thêm vào đó, hiện thuế nhập khẩu sữa đang ở mức rất thấp so với khu vực. Theo quy định hiện hành, thuế nhập khẩu sữa bột nguyên kem hoặc tách kem đã giảm từ 20% xuống 5% vào tháng 9-2009 nhưng giá những mặt hàng sữa này vẫn ở mức cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức giá nguyên liệu và thuế xuất nhập khẩu hiện hành thì việc các hãng sữa tăng giá trên 10% là quá cao so với thực tế.

Chọn mua sữa bột tại TTTM Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền


Cơ quan chức năng lỗi hẹn
Sau những đợt tăng giá sữa dồn dập hồi đầu năm, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ gấp rút sửa đổi Thông tư 104 nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý giá sữa và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 7-2010. Tuy nhiên, tháng 7 đã trôi qua, thông tư mới vẫn chưa được ban hành. Như vậy, cơ quan chức năng đã lỗi hẹn với người tiêu dùng, trong khi đó, các DN sữa lại tiếp tục tăng giá bán.

Nhận xét về đợt tăng giá sữa lần này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Thông tư 104 quy định 2 lần tăng giá cách nhau tối thiểu 15 ngày và DN dưới 50% vốn chủ sở hữu nhà nước không cần đăng ký, kê khai giá. Từ đầu năm tới nay, các DN kinh doanh sữa mỗi lần chỉ tăng giá khoảng 5% đến 10% nên Cục không can thiệp để bình ổn giá được. Cục Quản lý giá đã trình Thông tư sửa đổi từ tháng 3-2010, nhưng có một vài khó khăn nên chưa thể ban hành.

Xung quanh những bất hợp lý trong việc quản lý giá sữa, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, khó có thể ép các DN tăng hay giảm giá sữa. Bởi, hiện nay chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường, giá bán các mặt hàng do DN quyết định. Ở nước ngoài, nhất là các quốc gia châu Âu, thuốc và nhóm hàng thực phẩm (trong đó có sữa bột) là những mặt hàng được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt về chất lượng và giá bán. Tại đây, các nhãn hiệu sữa không nhiều và việc mua sữa cũng không dễ dàng như ở nước ta. Vì thế, trong việc các DN liên tục tăng giá sữa, người tiêu dùng cũng có một phần trách nhiệm. Bởi ở nước ngoài, khi một DN được cho là tăng giá bất hợp lý, sản phẩm của họ sẽ rất khó tiêu thụ, thậm chí bị tẩy chay. Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều người vẫn chấp nhận mua sữa đắt tiền để khẳng định "đẳng cấp" dù chất lượng những loại sữa này chưa hẳn đã tương xứng với giá bán.

Sau mỗi đợt tăng giá sữa, câu chuyện quản lý giá một lần nữa lại được dư luận đặt ra. Để quản lý mặt hàng thiết yếu này, bên cạnh sự đồng tình, hưởng ứng của người tiêu dùng trong việc ủng hộ những DN kinh doanh chân chính, rất cần sự vào cuộc kịp thời từ phía cơ quan quản lý. Chỉ khi nào Thông tư quản lý giá các mặt hàng thiết yếu với những quy định chặt chẽ, rõ ràng được ban hành và được áp dụng hiệu quả trong thực tế thì điệp khúc "tăng giá sữa" mới không còn cơ hội tái diễn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.