(HNM) - Khác với những cảnh báo, thậm chí là lo ngại về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng cao, ở thời điểm hiện tại, CPI đang
Thực tế, CPI tháng 10 tăng 0,11% so với tháng trước và 10 tháng đầu năm tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013, là mức tăng thấp so với các năm trước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, CPI còn duy trì được mức tăng là do 2 nhóm tăng cao nhất gồm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục (tăng lần lượt 5,99% và 10,56%) dưới tác động từ việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế và phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương lớn trên cả nước. Trong khi đó, hầu hết các nhóm hàng khác không có biến động đáng kể. Đặc biệt, giá bán lẻ xăng dầu trong 10 tháng qua được điều chỉnh liên tục theo biến động của thị trường nên CPI các nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ các mặt hàng này như vận tải, du lịch… cũng có xu hướng giảm xuống hoặc tăng thấp.
Nhiều mặt hàng gia dụng, đồ điện tử dường như đã bão hòa. Ảnh: Trung Kiên |
CPI tăng thấp như đề cập ở trên sẽ là điều kiện tốt cho giới tiêu dùng; nhất là đối với những người nghèo hoặc làm công ăn lương. Hiện nay, hàng hóa trên thị trường rất phong phú, giá bán phải chăng nhưng không nhiều người mua. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của đại bộ phận người dân chưa được cải thiện, đời sống kinh tế còn khó khăn cũng như tâm lý tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu vẫn đang còn khá phổ biến trong xã hội. Thực tế cũng cho thấy, lượng người đến mua hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị có xu hướng ngày càng giảm; nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gia dụng, quần áo, đồ điện tử, tạp hóa... dường như đã bão hòa. Cung đang cao hơn cầu.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10 đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước; tính chung 10 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả này thấp hơn so với mức tăng 12,6% của cùng kỳ năm ngoái, với nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu, chậm hồi phục. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 chỉ tăng 6,4%. |
Nhìn từ góc độ khác, việc CPI tăng rất thấp cũng là yếu tố tiêu cực đối với hoạt động sản xuất. Dịp cuối năm thường là thời điểm nước rút để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hồi vốn, cân đối nguồn lực cho việc hoạch định mục tiêu kinh doanh trong năm sau. Vì vậy, việc tồn kho sản phẩm vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh lớn nhất. Nhiều loại hàng hóa, sản phẩm bị "đóng băng" cũng là nguyên nhân đẩy một số đơn vị vào cảnh buộc phải cắt giảm công suất gây lãng phí thời gian và nguồn lực sản xuất của xã hội khiến không ít DN rơi vào cảnh trì trệ, khó xác định mục tiêu cụ thể cho thời gian tới. Bên cạnh đó, do khó tiêu thụ sản phẩm, lại phải áp dụng giá bán "mềm" nên nhiều đơn vị không còn muốn mở rộng sản xuất và sẵn sàng đề xuất vay tiền ngân hàng như các năm trước.
Với việc giá xăng dầu giảm liên tục (kể cả trong trường hợp tăng ở mức hợp lý) cùng với sự bình ổn của thị trường, nhất là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong dịp cuối năm và Tết sắp tới, thì CPI khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, đến nay nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào cũng khiến CPI tăng thấp hơn mong đợi.
Dự báo, nếu không có biến động lớn thì CPI của cả năm 2014 không thể tăng qua ngưỡng 7% và trở thành sự an tâm đối với tiêu dùng. Nhưng điều đó lại là nỗi thất vọng của không ít nhà sản xuất, nhất là các cơ sở kinh doanh, bán lẻ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.