(HNM) - Chúng tôi tìm đến Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, hỏi thăm nhà ông Đỗ Đình Ngô (65 tuổi) không ai không biết. Bởi lẽ, ông là một thương binh vượt khó làm giàu chỉ bằng... một bàn tay.
Nếu sáng tạo, chăm chỉ...
Lần thứ hai vượt qua con đường đê dài trong những ngày mưa ướt nhẹp, chúng tôi mới gặp được thương binh Đỗ Đình Ngô, bởi ông lúc nào cũng bận rộn với công việc ở trang trại. Bước vào căn phòng khách khang trang, chúng tôi thấy bức ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Đỗ Đình Ngô treo trang trọng trên tường, bên dưới là dòng chữ "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng biểu tượng kỷ niệm chương cho Doanh nhân - Doanh nghiệp cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc năm 2001".
Thương binh Đỗ Đình Ngô kiểm tra chất lượng trứng vịt tại trang trại của gia đình. |
Năm 1967, chàng thanh niên Đỗ Đình Ngô tình nguyện ra chiến trường khi vừa tròn 17 tuổi. Một đêm tháng 11-1972, trong một trận chiến đấu không cân sức tại chiến trường miền Nam, tay phải của ông bị mảnh đạn pháo của địch cắt cụt. Vào bệnh xá, các y, bác sĩ tận tình cứu chữa và những giọt máu của đồng đội truyền cho ông cuộc sống.
Cũng trong năm 1972, người lính trẻ xuất ngũ, trở về quê hương với một bộ áo lính đã bạc màu, cánh tay phải bị mất và một chiếc ba lô cũ kỹ khi tuổi đời vừa mới 22 tuổi. Với nghị lực của một người lính từ vùng khói lửa trở về, ông đã vươn lên từ sức lao động của chính mình.
Trước khi về nhà mở trang trại chăn nuôi vịt, ông Đỗ Đình Ngô từng công tác ở hợp tác xã nông nghiệp địa phương. Hoạt động trong cơ chế bao cấp với đủ thứ quy định gò bó, ông quyết định xin nghỉ. Nhiều người nói ông Ngô là "ngớ ngẩn". Bởi lúc bấy giờ, chẳng ai dại dột từ chối làm cán bộ hợp tác xã - một chiếc ghế không bao giờ lo đói giữa những ngày đất nước còn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng ông Đỗ Đình Ngô nhất quyết xin nghỉ việc.
Năm 26 tuổi, Đỗ Đình Ngô kết hôn với người con gái cùng làng tên là Chu Thị Chính. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chồng chất khó khăn. Nhiều người lắc đầu ái ngại, thương cho cô Chính xinh đẹp lấy phải người chồng thương tật. Không vốn liếng, không dựa vào gia đình, đôi vợ chồng vật lộn với cuộc sống. Làm giàu từ hai bàn tay trắng đã khó, ông Ngô còn bị mất một tay. Nói về những tháng ngày ấy, ông bùi ngùi: "Ngày mới từ chiến trường về, vì tôi không thuận tay trái nên đến gắp thức ăn cũng khó, cầm bút viết không xong. Đi không vững, người cứ lệch sang một bên. Tôi phải tập luyện lại từ đầu, mọi sinh hoạt gần như bị đảo lộn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực, mọi thứ đã trở nên thuần thục hơn".
Không còn làm việc ở hợp tác xã, ông Ngô bàn với vợ vay vốn chăn nuôi vịt. Năm đầu tiên, ông nuôi 50 con, sau đó nuôi dần lên 120 con. Gạo thóc hiếm, ông Ngô và bà Chính suốt ngày lặn lội ngoài sông, hồ vớt bèo, đãi hến làm thức ăn cho vịt. Ông nhớ lại: "Hồi ấy, đêm khuya nhưng lúc nào nhà tôi cũng sáng đèn. Hai vợ chồng tôi làm việc quần quật không kể ngày đêm. Tôi không may mất một cánh tay nhưng bù lại sức khỏe vẫn rất tốt. Tuổi trẻ của chúng tôi là những ngày tháng say sưa lao động. Vất vả nhưng may mắn là vợ chồng chúng tôi rất hiểu và thương nhau, khó khăn nào cũng vượt qua hết".
Không chỉ nuôi vịt, ông Ngô còn đầu tư vốn mở xưởng ấp trứng gà. Năm 1998, khi chưa có nhiều kinh nghiệm ấp trứng, lại chỉ ấp bằng đèn dầu, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, trứng hỏng, trượt giá, chỉ trong 21 ngày, gia đình ông mất đến 1,2 tỷ đồng. Vốn ít, lại thua lỗ nặng, tưởng chừng như trời đất sụp đổ trước mặt vợ chồng người thương binh chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, ông Ngô không nản, chạy vạy khắp nơi vay vốn ngân hàng, làm lại từ đầu. Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thương binh Đỗ Đình Ngô tự tin phát triển mô hình kinh tế gia đình, động viên vợ con yên tâm làm việc. "Nếu mình sáng tạo, chăm chỉ, trời sẽ không phụ gia đình mình", ông quả quyết.
... hạnh phúc sẽ mỉm cười
Vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, gia đình thương binh Đỗ Đình Ngô đã có kinh tế vững chắc. Đến thôn Ngãi Cầu, chúng tôi thật sự ngạc nhiên với cơ ngơi đồ sộ của gia đình ông. Không chỉ giàu có về kinh tế, gia đình ông lúc nào cũng vui vầy, hạnh phúc. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, người thương binh hiền lành, chân chất, không giấu nổi niềm tự hào với những thành quả có được.
Ngôi nhà khang trang của thương binh Đỗ Đình Ngô ngay trung tâm xã An Khánh, một chiếc ô tô sang trọng giữa sân nhà. Cuối năm 2007, để tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, ông chuyển đổi gần 4.000m2 đất phát triển trang trại chăn nuôi tại xã An Thượng. Hiện tại, ông đầu tư nuôi hơn 11.000 con gà, ngan đẻ trứng và 30 máy ấp trứng công nghiệp, công suất 4 triệu quả/đợt. Ông Ngô mua hai chiếc xe tải lớn để vận chuyển hàng. Hằng năm, công ty của gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Các con của ông đều đã xây dựng gia đình nhưng vẫn tích cực làm việc tại trang trại của bố.
Trang trại của người thương binh đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, có thu nhập ổn định với mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. Trong số đó, có nhiều lao động sinh sống ở các vùng khó khăn của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với tấm lòng nhân hậu của một người lính, khi kinh tế gia đình khá lên, ông Ngô thường xuyên giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các gia đình cựu chiến binh, gia đình chính sách, người có công. Ông hỗ trợ về con giống, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh gia cầm cho nhiều hộ dân ở địa phương. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được ông giúp đỡ đến nay đã có cuộc sống ổn định. Anh Phạm Văn Thiết, thôn Lại Dụ, xã An Thượng có khu chăn nuôi cạnh trang trại của gia đình ông Ngô. Công việc chăn nuôi của gia đình anh ngày một thuận lợi vì được ông Ngô hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà, được trang trại thu mua trứng gà và cung cấp gà giống. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Đỗ Đình Ngô còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị ở địa phương phát động.
Với những nỗ lực vượt khó và những đóng góp của mình, thương binh Đỗ Đình Ngô vinh dự được Chủ tịch nước trao Kỷ niệm chương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen "Người tốt, việc tốt tiêu biểu" và UBND Hoài Đức tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu 2009-2014"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.